Thành phố Pleiku xây dựng nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Có điều kiện thuận lợi hơn so với các địa phương về vị trí địa lý, điều kiện kinh tế, quy hoạch cũng như một số điều kiện khác, Pleiku được đánh giá là địa phương có khả năng về đích sớm trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc khách quan khiến các xã khó hoàn thành 100% các tiêu chí nông thôn mới.

Được coi là một trong những xã nổi bật trong nỗ lực hoàn thành các tiêu chí của nông thôn mới, trong năm 2012, xã Tân Sơn đã xây dựng gần 2.400 mét đường giao thông nông thôn, với tổng kinh phí gần 1,5 tỷ đồng. 36 căn nhà theo Chương trình 167 cũng đã hoàn thành và bàn giao với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng.
 

 

Ông Bùi Hồng Quang- Trưởng phòng Kinh tế TP. Pleiku phấn khởi: “Điều đáng hoan nghênh là qua vận động, người dân đã thấy rõ vai trò tiên quyết của mình trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy, trong năm đã có hơn 240 hộ dân đồng lòng dời hàng rào, mở rộng đường giao thông nông thôn với diện tích gần 2.500 m2 đất; 15 hộ tự đổ đất cấp phối cải tạo ngõ xóm; 300 hộ dân tham gia thu gom rác thải; người dân đã đóng góp hơn 200 ngày công lao động để dọn dẹp vệ sinh khu dân cư”.

Phát triển kinh tế hộ là một trong những mục tiêu quan trọng nhất. Và Biển Hồ là xã đi đầu trong năm, xã đã hỗ trợ cho nhân dân thực hiện 14 mô hình bò cái sinh sản với tổng kinh phí gần 210 triệu đồng. Bộ mặt xã ngày càng đẹp hơn, khang trang hơn nhờ hệ thống điện nông thôn, điện chiếu sáng ngày càng hoàn chỉnh. Những hộ có hoàn cảnh khó khăn đã được trao nhà theo Quyết định 167 (18 hộ), Nhà tình nghĩa (5 hộ), Nhà đồng đội (3 hộ) với tổng kinh phí khoảng 1,6 tỷ đồng từ các nguồn đóng góp khác nhau. Vai trò của thanh niên trong thực hiện chương trình cũng được nhấn mạnh khi Đoàn Thanh niên của xã đã phối hợp với thanh niên của Sư đoàn 320 nạo vét hơn 2 km kênh mương; kết họp với Trường THPT Lê Lợi thực hiện Tuần lễ xanh phát quang bụi rậm, sửa chữa 6 giọt nước tại 5 làng…  

Có được những kết quả đáng khích lệ ấy, Trưởng phòng Kinh tế thành phố khẳng định: “Được coi là hoạt động “tiền đề” trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, công tác tuyên truyền góp phần rất lớn vào sự thành công của chương trình. Bên cạnh đó còn xây dựng chuyên mục trên trang thông tin điện tử thành phố, chỉ đạo các xã tổ chức tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh ở các thôn làng, tờ rơi, áp phích; lồng ghép các cuộc họp, hội nghị để lấy ý kiến đóng góp của người dân”.

Theo đó, trong năm 2012, nhiều địa phương đã làm rất tốt công tác này như xã Diên Phú với gần 50 đợt tuyên truyền, trên 1.500 lượt người tham gia, 600 tờ rơi tuyên truyền đã được gửi đến từng hộ gia đình; xã Chư Á tổ chức gần 60 đợt tuyên truyền với 5.600 lượt người tham gia. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các văn bản hướng dẫn xây dựng nông thôn mới của các bộ, ngành cũng như của tỉnh, đặc biệt là Nghị quyết 03/NQ-TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Xây dựng nông thôn mới tỉnh Gia Lai đến năm 2020”.

Hiện 9/9 xã trên địa bàn thành phố đã hoàn thành đề án xây dựng nông thôn mới và đồ án quy hoạch chung của xã. Nhiều xã đã hoàn thành gần hết các tiêu chí của Chương trình xây dựng nông thôn mới như xã Biển Hồ (14/19); xã Trà Đa (15/19); xã Diên Phú (12/19); Chư Hdrông (12/19); Tân Sơn (11/19)…

Với tiến độ thực hiện nhanh và hiệu quả như trên, Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Pleiku được kỳ vọng sẽ về đích sớm. Song sẽ khó đạt được nếu không xem xét lại một số tiêu chí chưa thực sự phù hợp với đặc thù của địa phương. Ông Bùi Hồng Quang chỉ rõ: “Một số tiêu chí chưa phù hợp với khu vực Tây Nguyên nói chung và Pleiku nói riêng.

Như xã Ia Kênh, một xã có 6 làng đồng bào và 1 thôn Kinh. Với tập quán của người dân tộc thiểu số, việc xây dựng 1 cái chợ để bà con tập trung giao thương ở đó là điều rất khó. Theo tiêu chí nhà ở, mỗi căn phải đảm bảo diện tích 14 m2/người trở lên, nhà có niên hạn sử dụng 20 năm trở lên và có đầy đủ công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ sinh hoạt như điện, nước sạch vệ sinh môi trường… Nhưng với xã Ia Kênh và xã Gào, dân số chủ yếu là người dân tộc thiểu số, nhà ở là nhà sàn, rõ ràng khó có thể tuân theo tiêu chí nhà ở. Thêm nữa, đặc trưng xã Diên Phú không cần thiết xây dựng công trình thủy lợi, không lẽ bị đánh giá là không đạt…”.

Chủ tịch UBND thành phố Pleiku Nguyễn Đình Tiến bày tỏ sự tin tưởng: “Thành phố tập trung thực hiện xây dựng nông thôn mới tại 3 xã An Phú, Biển Hồ và Diên Phú, đồng thời rà soát, củng cố và có kế hoạch đầu tư để hoàn thiện các tiêu chí của xã Trà Đa. Theo đó, đến năm 2015, Pleiku sẽ xây dựng 30% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới, và đến năm 2020, 100% xã sẽ đạt tiêu chuẩn nông thôn mới.

Dự kiến, xã Trà Đa sẽ hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới vào năm 2016; xã Chư Hdrông và Tân Sơn sẽ hoàn thành vào năm 2018; xã Ia Kênh, Chư Á và xã Gào hoàn thành vào năm 2020”. Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện lồng ghép các nguồn vốn, ưu tiên đầu tư cho những công trình cấp bách, đường giao thông nông thôn, quan tâm bố trí vốn cho các xã nông thôn mới (ưu tiên 3 xã làm điểm). Song song đó là thực hiện tốt việc hỗ trợ phát triển sản xuất cho nhân dân bằng các nguồn vốn sự nghiệp kinh tế, vốn đầu tư trực tiếp cho chương trình, các dự án ứng dụng khoa học công nghệ cấp tỉnh.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm