Sức khỏe

Y dược cổ truyền

Thảo dược: Tầm nhìn xa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 80% dân số các nước đang phát triển ít nhiều vẫn còn liên quan đến y học cổ truyền hoặc thuốc từ dược thảo truyền thống để bảo vệ sức khỏe. Trong vài thập kỷ gần đây, các nước trên thế giới đang đẩy mạnh việc nghiên cứu, bào chế và sản xuất các chế phẩm có nguồn gốc thiên nhiên từ cây dược liệu để hỗ trợ, phòng ngừa và điều trị bệnh.

Thống kê của WHO, tính trên toàn thế giới, doanh thu thuốc từ dược liệu ước đạt khoảng trên 80 tỷ USD/năm.

Thị trường phong phú

Theo Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), năm 2015, tổng giá trị tiền thuốc sản xuất trong nước đạt hơn 1,649 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2014, đáp ứng 48% nhu cầu sử dụng thuốc của nhân dân. Cùng với đó, tiền sử dụng thuốc bình quân đầu người ở nước ta đạt mức 37,9 USD/người/năm, tăng 10% so với năm 2014 và tăng gần gấp đôi so với năm 2009.

Về xuất khẩu, nước ta chủ yếu xuất dược liệu thô, ước tính 10.000 tấn/năm bao gồm các loại như: sa nhân, quế, hồi, thảo quả, cúc hoa, dừa cạn, hòe... và một số loài cây dược liệu mọc tự nhiên khác. Bên cạnh đó, một số hoạt chất được chiết xuất từ dược liệu cũng từng được xuất khẩu như Becberin, Palmatin, Rutin, Artemisinin, tinh dầu và một vài chế phẩm đông dược khác sang Đông Âu và Liên bang Nga.

Cây huyết dụ, hoàng ngọc, đinh lăng được nhiều gia đình trồng để dùng khi đau ốm. Ảnh: M.T
Cây huyết dụ, hoàng ngọc, đinh lăng được nhiều gia đình trồng để dùng khi đau ốm. Ảnh: M.T



Dự báo của tổ chức nghiên cứu thị trường BMI, trong 5 năm tới, thị trường dược phẩm Việt Nam sẽ là mảnh đất giàu tiềm năng cho các công ty nước ngoài do thị trường bắt đầu mở cửa rộng hơn cho các doanh nghiệp; dự kiến thị trường Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 17-19%/năm và tiền thuốc tăng gấp đôi sau 5 năm.

Ngoài ra, theo cam kết của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các công ty dược phẩm nước ngoài có quyền mở chi nhánh tại Việt Nam và được tham gia nhập khẩu trực tiếp dược phẩm, mặc dù chưa được quyền phân phối. Thêm vào đó, Việt Nam sẽ giảm thuế 5% cho sản phẩm y tế và 2,5% cho thuốc nhập khẩu trong vòng 5 năm sau khi gia nhập WTO.

Để tham gia vào thị trường dược liệu, tỉnh ta có những thuận lợi rất đáng kể như có diện tích tự nhiên 1.551.098 ha, diện tích đất lâm nghiệp 741.253,56 ha, diện tích đất có rừng 597.186,95 ha, chiếm 80,5% diện tích đất lâm nghiệp, trong đó diện tích rừng tự nhiên 543.730,49 ha, rừng trồng 53.456,46 ha, phân bố trên cả địa bàn 17 huyện, thị xã, thành phố. Tài nguyên rừng rất đa dạng và phong phú, đa dạng sinh học về thực vật và động vật. Gần nhất, theo kết quả Đề tài “Đánh giá tài nguyên, đặc điểm phân bố, đề xuất giải pháp bảo tồn phát triển bền vững cây dược liệu bản địa ở tỉnh Gia Lai” do Trường Đại học Khoa học-Đại học Huế thực hiện năm 2005, tỉnh Gia Lai đã điều tra và thống kê được 573 loài cây dược liệu trên địa bàn, trong đó có 21 loài là thực vật quý hiếm được ghi nhận trong Sách Đỏ Việt Nam, 30 loài cây dược liệu chính được sử dụng rộng rãi, có giá trị kinh tế như sa nhân, sa kích, bách bộ,  hoàng đằng, cam thảo dây, địa liền, lan kim tuyến, hà thủ ô, ngũ gia bì, kim tiền thảo, nghệ đen….

Tại Gia Lai hiện nay, phát triển cây dược liệu chưa đồng bộ, tuy nhiên lợi nhuận từ cây dược liệu đã hiện hữu. Ông Nguyễn Hồng Linh-Chủ tịch UBND huyện Chư Sê-cho biết: Cây dược liệu trồng trên địa bàn huyện hiện nay đảm bảo về đầu ra và giá thành, mang lại lợi nhuận cho người dân khi tham gia phát triển dược liệu trên những diện tích cây trồng không hiệu quả. Được biết, hiện người dân có thu từ cây dược liệu thấp nhất là 30 triệu đồng/ha.

Tầm nhìn đến năm 2030

Theo quy hoạch phát triển cây dược liệu giai đoạn 2018-2020, tỉnh ta sẽ tập trung đầu tư phát triển 2.434,3 ha đối với các loài dược liệu: sa nhân tím, đương quy, đinh lăng, nghệ vàng, gấc, sả, đảng sâm, gừng, sachi, sâm đá, lan kim tuyến, sâm bảy lá, hà thủ ô đỏ, mật nhân, vàng đắng... tại địa bàn các huyện: Kbang (309 ha), Chư Sê (394 ha), Chư Prông (78,8 ha), Ia Pa (7,6 ha), Chư Pưh (200 ha), Đak Đoa (1.315 ha) và thị xã An Khê (100 ha). Trong đó: tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã 841,4 ha; hộ gia đình, cá nhân 1.592,9 ha.

 


Tỉnh Gia Lai sẽ tập trung bảo tồn 21 loài dược liệu quý hiếm có trong Sách Đỏ Việt Nam, có giá trị và có nguy cơ bị tuyệt chủng cao trong rừng đặc dụng của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng. Trong đó có một số loài đang bị đe dọa diệt chủng như: kiền tím, cứt quạ, chân danh Trung Quốc, giảo cổ lam, thư tràng 5 lá, cổ yếm, nần nghệ, Từ Collett, ngọc vạn vàng, kim điệp, ráng đuôi phụng Fortune, cốt toái, dó bầu, trầm...
 

Đến giai đoạn 2021-2030 sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng lên 4.150,4 ha gồm các chủng loại dược liệu hàng hóa có ưu thế trên địa bàn tỉnh, như: đinh lăng, sả, hà thủ ô đỏ, sa nhân tím, sâm đá, đương quy, nghệ vàng, gấc, sachi, đẳng sâm, sâm bảy lá, lan kim tuyến, diệp hạ châu, sâm cau, gừng, mật nhân, vàng đắng tại địa bàn các địa phương, gồm: Kbang (871 ha), Chư Sê (494 ha), Chư Prông (78,8 ha), Ia Pa (43,6 ha), Chư Pưh (300 ha), Đak Pơ (60 ha), Đak Đoa (2.130 ha), An Khê (173 ha). Trong đó: tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã 1.364,4 ha; hộ gia đình, cá nhân 2.786 ha.

Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh Gia Lai đã trồng được 1.030 ha, chủ yếu tập trung ở các huyện: Kbang (166,3), Chư Sê (369 ha), Chư Pưh (105,7 ha), Chư Prông (78,9 ha), Ia Pa (7,6 ha), Đak Pơ (8,5 ha), Đak Đoa (264 ha) và thị xã An Khê (30 ha). Tỉnh cũng đang triển khai thực hiện đề tài “Trồng thử nghiệm cây sâm Ngọc Linh trên vùng núi Kbang, tỉnh Gia Lai”. Đề tài nghiên cứu thành công sẽ mở rộng việc trồng cây sâm Ngọc Linh dưới tán rừng ở những nơi có điều kiện sinh thái phù hợp, góp phần vào việc bảo tồn và phát triển một loài dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao.

Vườn cây đương quy ở xã Sơ Pai (huyện Kbang, Gia Lai). Ảnh: N.S
Vườn cây đương quy ở xã Sơ Pai (huyện Kbang, Gia Lai). Ảnh: N.S



Nói về phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Gia Lai, ông Phan Thanh Thiên-Tổng Giám đốc Tập đoàn Khoa học Quốc tế Trường Sinh-cho rằng: “Mỗi địa phương ở tỉnh ta đều có các loại dược liệu quý riêng. Đơn cử như thị xã Ayun Pa có cây vối-loài cây có kháng sinh thực vật rất cao, giúp hỗ trợ các bệnh về tiểu đường, bệnh đường ruột. Dù vậy, các loại dược liệu này đang ngày càng bị khai thác cạn kiệt. Tôi đã đề xuất tỉnh cần khoanh vùng dược liệu gắn với từng nhóm bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty có nhà máy chế biến dựa vào đó để đặt hàng, góp phần bảo tồn và phát triển cây dược liệu tốt hơn”. Còn ông Ngô Văn Cầm-Trung tâm Lâm nghiệp Nhiệt đới-thì nêu quan điểm: Công tác bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh sẽ làm đa dạng sinh học, mang lại giá trị cao về mặt hàng hóa. Để làm được điều đó, cần đồng bộ hóa trong tất cả các khâu từ nghiên cứu đặc tính, cây giống, cách trồng, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ. Trồng phải đi cùng với việc chế biến để nâng cao giá trị thành phẩm. Đồng thời cũng cần nghĩ đến việc lựa chọn dược liệu mũi nhọn để xây dựng thành thương hiệu cho tỉnh.

Để xây dựng và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh tầm nhìn đến năm 2030, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đã yêu cầu các ban, ngành của tỉnh triển khai thực hiện các quy định, cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ, thu hút các nhà đầu tư, các hộ dân phát triển cây dược liệu; nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật trồng, khai thác các loài dược liệu và phổ biến cho các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh.  Đồng thời, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, xây dựng thương hiệu, triển khai thực hiện các đề tài, dự án... liên quan đến phát triển sản xuất cây dược liệu. Cùng với đó, việc tỉnh ta sẽ xây dựng 1 vườn bảo tồn và phát triển cây dược liệu-là nơi tập trung bảo tồn và trồng mới nhiều loài cây dược liệu được thu thập ở các địa phương khác nhau, đại diện cho vùng khí hậu đặc trưng để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và phát triển dược liệu. Đồng thời, hoàn thiện các “Vườn cây thuốc Nam mẫu” tại các trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố, trạm xá quân y của các đơn vị bộ đội đóng trên địa bàn tỉnh để lưu trồng, bảo vệ nguồn gen cây dược liệu, đặc biệt là các cây thuốc chữa bệnh của cộng đồng dân tộc thiểu số trong tỉnh.

Với lộ trình có tính khoa học, rõ ràng, đến năm 2030, tin rằng Gia Lai sẽ trở thành một trong những địa phương cung cấp nguồn dược liệu lớn của Việt Nam, đồng thời khẳng định được thương hiệu dược liệu tỉnh nhà đối với các vùng dược liệu trên cả nước.

 MINH THI

Có thể bạn quan tâm