(GLO)- Điều kiện kinh tế đang khó khăn, lãi suất vẫn ở mức cao, khả năng đáp ứng để được vay vốn ngân hàng ngày một khó trong thời gian qua, rồi ngân hàng thận trọng hơn trong đầu tư tín dụng đã khiến hoạt động của không ít doanh nghiệp lao đao. Mới đây, Quyết định 780/QĐ-NHNN cho phép các tổ chức tín dụng được giữ nguyên phân loại nợ của doanh nghiệp được gia hạn nếu đánh giá khả năng kinh doanh tốt và khả năng trả nợ, đồng thời sau khi điều chỉnh kỳ hạn hoặc gia hạn khách hàng sẽ được giữ nguyên nhóm nợ như phân loại trước đó.
Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 3-1-2012 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012, ngành Ngân hàng đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp tín dụng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và hộ dân vay vốn tín dụng ngân hàng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hộ dân từng bước phục hồi, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã và đang chủ động phối hợp rà soát, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng vay để tháo gỡ khó khăn trong việc trả nợ vốn vay phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh, thời hạn thu hồi vốn của dự án.
Khách hàng không có khả năng trả nợ đúng kỳ hạn nợ gốc và lãi trong phạm vi thời hạn cho vay đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng và tổ chức tín dụng đánh giá là có khả năng trả nợ trong các kỳ hạn tiếp theo, thì tổ chức tín dụng xem xét điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc và lãi vốn vay, hoặc được gia hạn nợ với thời hạn phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng.
Bên cạnh đó, khách hàng không có khả năng trả hết nợ gốc hoặc lãi vay đúng thời hạn như đã thỏa thuận trong hợp đồng, nếu được tổ chức tín dụng đánh giá là có khả năng trả nợ trong một khoảng thời gian nhất định sau thời hạn cho vay thì sẽ xem xét cho gia hạn nợ với thời hạn phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng.
Theo ông Nguyễn Văn Cư-Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh: Trước đây khi điều chỉnh kỳ hạn nợ khách hàng sẽ bị nhảy nhóm nợ, ngân hàng phải trích dự phòng rủi ro. Ở nhóm 1 là nhóm trong hạn ngân hàng không trích dự phòng rủi ro; nhóm 2 là nhóm nợ cần chú ý quá hạn dưới 90 ngày, phải trích 5%/số tiền vay; nhóm 3 quá hạn từ 90 đến 180 ngày, ngân hàng phải trích 20%, nhóm 4 từ 181 ngày đến 360 ngày, phải trích 50%; nhóm 5 mất khả năng thu hồi vốn, sẽ trích 100%. Từ đó, tình hình nợ xấu sẽ tăng lên, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Đồng thời, khi khách hàng bị chuyển nợ xấu sẽ không được vay món mới. Công văn 2506/NHNN-CSTT ra đời sẽ cùng với Quyết định 780/QĐ-NHNN về giữ nguyên phân loại nợ, cơ chế này cho phép nợ không bị nhảy nhóm, sẽ tháo gỡ nút thắt tín dụng cho cả ngân hàng và doanh nghiệp.
Đến thời điểm này tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tỉnh chỉ thực hiện đạt 27.400 tỷ đồng. Nguyên nhân của sự không tăng trưởng là do tình hình kinh tế vẫn đang khó khăn, lãi suất dù đã 2 lần hạ nhưng vẫn ở mức cao, doanh nghiệp vẫn chưa hết e ngại để đi vay. Vì vậy, các giải pháp về hoạt động tín dụng sẽ tháo gỡ khó khăn cho cả doanh nghiệp và ngân hàng. Từ đó, góp phần tăng trưởng dư nợ tín dụng trên địa bàn. Với việc được ngân hàng cơ cấu lại nợ mà vẫn không bị chuyển nhóm là điều kiện để doanh nghiệp tiếp tục được vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, từ đó tăng thêm khả năng trả nợ cho ngân hàng. Bên cạnh đó, về phía ngân hàng không phải trích lập dự phòng rủi ro ở mức cao, nguồn vốn từ đó sẽ dồi dào hơn để đầu tư cho vay.
Hiện nay, theo nhiều ngân hàng thương mại nguồn vốn luôn đảm bảo đầu tư cho nền kinh tế. Vấn đề là ở doanh nghiệp có đáp ứng đủ điều kiện vay hay không. Đây cũng là thực tế khi mà phần đông các doanh nghiệp trên địa bàn có quy mô nhỏ.
Thảo Nguyên