Kinh tế

Tháo gỡ vướng mắc trong xử lý tài sản, thu hồi nợ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những khó khăn, vướng mắc kéo dài trong việc xử lý tài sản bảo đảm ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình thu hồi nợ của ngân hàng sẽ được tháo gỡ khi thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu.

Thời gian qua, việc phối hợp giữa Cơ quan Thi hành án và ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã cơ bản giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác xử lý tài sản bảo đảm của ngân hàng. Tuy nhiên, một số ngân hàng phản ánh quy trình đem tài sản ra bán đấu giá vẫn phải trải qua nhiều giai đoạn, mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến việc thu hồi nợ. Ông Trần Văn Tiết-Phó Giám đốc Vietcombank Gia Lai, cho biết: Vốn ngân hàng là vốn đi huy động để cho vay, do đó, việc thu hồi vốn liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm cần được thực hiện nhanh. Tuy nhiên, sự nhiêu khê ở các cấp thi hành án dẫn đến việc thu hồi khó khăn. Khi phát sinh nợ nhóm 3, nhóm 4, nhóm 5, ngân hàng  chủ động làm việc với khách hàng để không đưa ra tòa, việc giải quyết sẽ nhanh gọn hơn. Còn quy trình ra tòa thì giải quyết bị kéo dài ở nhiều khâu, từ quá trình thụ lý hồ sơ, mời hòa giải, rồi xử, đến thi hành án… mất rất nhiều thời gian.

 

Ảnh minh họa

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Cư-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước- Chi nhánh Gia Lai, cho biết: Thông qua quy chế phối hợp giữa ngành Ngân hàng với Cơ quan Thi hành án đã giải quyết được nhiều vấn đề vướng mắc, việc xử lý cũng nhanh hơn. Ngân hàng nào còn vướng mắc thì từ nay đến cuối năm, đề nghị có văn bản phản ánh để phối hợp giải quyết kịp thời.

Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng có hiệu lực góp phần khắc phục khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm liên quan đến việc giao tài sản bảo đảm để xử lý, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thúc đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu; tránh trường hợp chủ tài sản cố tình chây ỳ, chống đối kéo dài thời gian, gây ảnh hưởng lớn đến việc xử lý nợ xấu.

Theo Nghị quyết 42, quyền thu giữ tài sản bảo đảm khi tổ chức tín dụng có đủ các điều kiện như đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ; tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi xảy ra các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định pháp luật; quy định này bảo đảm việc thu giữ tài sản được thực hiện khi có sự thỏa thuận trước của các bên; tài sản bảo đảm không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án đã được thụ lý nhưng chưa được giải quyết hoặc đang được giải quyết tại Tòa án có thẩm quyền; không đang bị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; không đang bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật… Để rút ngắn quá trình giải quyết tranh chấp qua Tòa án, tăng hiệu quả hoạt động xử lý tài sản bảo đảm qua Tòa án, Nghị quyết 42 cho phép Tòa án áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm hoặc tranh chấp về quyền xử lý tài sản bảo đảm.

Ông Nguyễn Văn Cư cho biết, hiện Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Gia Lai đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 06 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc thực hiện Nghị quyết số 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu; đồng thời cũng kiến nghị với tỉnh chỉ đạo các địa phương, các sở, ngành liên quan tích cực phối hợp với các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn trong việc triển khai thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về triển khai nghị quyết này để mang lại hiệu quả cao nhất trong vấn đề xử lý nợ xấu.

Vũ Thảo

Có thể bạn quan tâm