(GLO)- Sau khi Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 27-11-2009 về việc phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” có hiệu lực thi hành, từ năm 2010 đến nay, Gia Lai đã tích cực triển khai thực hiện đào tạo nghề cho trên 18.000 người lao động nông thôn.
Theo báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, năm 2010, Gia Lai được phân bổ 20,5 tỷ đồng để tuyên truyền tư vấn học nghề và việc làm, điều tra khảo sát dự báo dạy nghề, giám sát đánh giá, tăng cường cơ sở vật chất và trang-thiết bị dạy nghề cho các cơ sở dạy nghề trên địa bàn.
Ảnh: Đinh Yến |
Theo đó, Sở đã tập trung nguồn vốn để mua sắm trang-thiết bị dạy nghề và dạy nghề cho lao động nông thôn. Năm 2010, Sở đã xây dựng thí điểm 2 mô hình dạy nghề nông thôn theo yêu cầu của đề án 1956 gồm: mô hình dạy nghề phi nông nghiệp với nghề sửa chữa máy nông nghiệp cho 34 học viên do Trường Trung cấp Nghề Gia Lai giảng dạy và mô hình dạy nghề nông nghiệp với nghề trồng, chăm sóc và cạo mủ cao su cho 35 học viên do Trung tâm Giới thiệu Việc làm tỉnh giảng dạy, tại xã Ia Boong (huyện Chư Prông).
Từ hai mô hình điểm này, cộng với các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn và người nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục-đào tạo và giảm nghèo của năm 2010 thì có đến 5.753 lao động nông thôn được đào tạo nghề. Năm 2011, tỉnh đã đào tạo nghề cho 6.076 người. Tính đến đầu tháng 11-2012, các cơ sở dạy nghề cũng đã đào tạo nghề cho 6.251 lao động nông thôn, đạt 86,7% kế hoạch. Để thực hiện công tác dạy nghề lao động nông thôn, Sở đã huy động 11 cơ sở tham gia.
Cũng theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau khi học nghề đạt 70%. Đồng thời, đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phân công rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị phối hợp với các cơ sở dạy nghề, nên những kết quả về số lao động ở nông thôn được đào tạo nghề hàng năm luôn đạt theo mục tiêu kế hoạch của đề án.
Ảnh: Đinh Yến |
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một chương trình có tính lâu dài. Vì vậy, vấn đề đặt ra ở đây là làm gì để nâng cao chất lượng đào tạo và đào tạo nghề mà xã hội cần? Như vậy, các đơn vị dạy nghề và địa phương cần khảo sát trước khi mở lớp để người dân có thể nâng cao tay nghề, áp dụng khoa học kỹ thuật vào những nghề đã học. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại lớp học nghề trồng trọt và bảo vệ thực vật cho 92 người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Bình Giáo (huyện Chư Prông), Trường Trung cấp Nghề Gia Lai đã cấp giấy chứng nhận cho tất cả học viên.
Học viên được xếp loại giỏi tên là Ksor Thiếu, làng Đê, xã Bình Giáo, kể: Gia đình em có 500 cây cà phê kinh doanh nhưng năng suất hàng năm đạt thấp. Vụ nào em cũng tưới nước, bón phân đầy đủ mà năng suất không được nâng cao. Khi tham gia lớp học này, được các thầy hướng dẫn em mới hiểu ra vì sao cà phê nhà em lại đạt thấp. Do là trước đây khi trồng, gia đình em đã không biết chọn giống cà phê và kỹ thuật chăm bón không đúng cách. Hy vọng những kỹ thuật học được em sẽ có vườn cà phê đạt năng suất cao.
Có thể thấy, tất cả những lớp học nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 đều được các cở sở đào tạo nghề về tận làng mở lớp. Học và thực hành luôn tại đồng ruộng, bà con đã sẵn biết nghề, bây giờ chỉ cần hướng dẫn áp dụng kỹ thuật nâng cao tay nghề và phương pháp là có thể hiểu được và áp dụng ngay được. Đơn cử như việc trồng rau sạch ở huyện Đak Pơ, nếu không có những lớp học nghề nông dân, bà con không thể hiểu được việc phun thuốc bảo vệ thực vật trên rau xanh sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe con người như thế nào; phun thuốc bao nhiêu là đủ mà con người sử dụng không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tất cả những câu hỏi đó khi được học nghề, bà con sẽ nắm chắc và khi trồng rau bà con cũng sẽ biết mà tránh khi lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây rau xanh.
Đánh giá qua 3 năm đào tạo nghề lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Tấn Thành-Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, cho biết: Dạy nghề cho lao động nông thôn là chủ trương thiết thực, mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Với Đề án 1956, vào đầu mỗi năm, Sở giao chỉ tiêu về cho từng đơn vị dạy nghề, đồng thời đề nghị mỗi địa phương khảo sát nhu cầu học nghề của người dân để trên cơ sở đó, dạy nghề lao động nông thôn phải xác định là dạy những nghề dân cần và dạy làm sao đảm bảo chất lượng để nông dân học nghề xong là áp dụng vào làm được nghề họ đã học.
Hà Tây