Kinh tế

Thấy gì từ công tác huy động và dư nợ cho vay đều giảm?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Liên tục điều chỉnh chính sách lãi suất, đến nay lãi suất cho vay chỉ còn khoảng 50% so với năm 2011. Đây là cố gắng rất lớn của ngành Ngân hàng, sự chỉ đạo và điều hành của Chính phủ trong lĩnh vực tín dụng tiền tệ. Hiện mặt bằng lãi suất huy động phổ biến ở mức 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; kỳ hạn từ 1 tháng đến 6 tháng ở mức 5% đến 6%/ năm; kỳ hạn 6 tháng đến 12 tháng dao động ở mức 6,5% đến 8,6%/năm; kỳ hạn 12 tháng trở lên khoảng 8,8%/năm. Còn lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên là 8%/năm; lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác ở mức 9% đến 13%/năm.
 

Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy

Trong bối cảnh tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, sự chỉ đạo, điều hành của ngành, mấy năm qua, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã có sự cố gắng nhất định trong việc đáp ứng nguồn vốn, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như các nhu cầu khác của các thành phần kinh tế trong xã hội. Hoạt động của các ngân hàng thương mại nói chung là đúng sự chỉ đạo, định hướng của Chính phủ, của ngành. Với nhiều hình thức, các tổ chức tín dụng đã nỗ lực huy động vốn để đáp ứng nhu cầu cho vay của khách hàng, nhất là tiền gửi tiết kiệm dân cư tăng khá cao (năm 2013 tăng 22,4% so với cuối năm 2012). Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cũng đã tích cực triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất theo chủ trương của Chính phủ, tích cực khai thác các sản phẩm dịch vụ.

Tuy nhiên cho đến hết quý I-2014, khó khăn vẫn còn bủa vây nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng. Theo báo cáo của ngành, đến đầu tháng 4-2014, tổng vốn huy động của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh ước đạt 18.500 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, nhưng giảm 0,1% so với cuối năm 2013; tổng dư nợ cho vay 36.600 tỷ đồng, tăng 23,7%, nhưng giảm 0,3% so với cuối năm 2013; tỷ lệ nợ xấu chiếm 0,82%. Thực hiện chỉ đạo của ngành, các ngân hàng thương mại đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 84 doanh nghiệp với dư nợ 1.797 tỷ đồng; cho vay mới 5 nhóm ngành kinh tế ưu tiên cho 17.189 khách hàng với dư nợ 4.011 tỷ đồng; triển khai 48 gói sản phẩm có lãi suất ưu đãi (7% đến 9%/năm) cho 1.167 khách hàng, dư nợ 2.939 tỷ đồng.

Nói về thực trạng trên, ông Nguyễn Hữu Cần-Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương (VCB) Gia Lai cho biết: Tình hình huy động vốn của chi nhánh từ đầu năm đến nay tuy có giảm nhưng không đáng kể. Một khi nguồn vốn huy động giảm sút cũng có nghĩa lượng tiền nhàn rỗi trong dân hiện nay không nhiều.

Còn với ông Nguyễn Văn Cư-Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh, tất cả cũng vì nền kinh tế còn chưa ra khỏi khó khăn, các ngân hàng thương mại vì mục tiêu “an toàn, bền vững” vẫn dè dặt trong cho vay, đi đôi với áp dụng chính sách tín dụng chặt chẽ, cho vay thận trọng. Sự “biến mất” của hàng trăm doanh nghiệp sau khi thành lập trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua khiến các tổ chức tín dụng không thể không lưu tâm. Ngoài ra, các doanh nghiệp, hộ cá thể có thể hoàn tất chu kỳ kinh doanh, thu hồi vốn trả nợ ngân hàng và tạm thời chưa có nhu cầu vay mới nên dư nợ cho vay sụt giảm. Còn nguồn vốn huy động giảm có nguyên nhân sâu xa là lãi suất tiền gửi thấp, so với tốc độ lạm phát thì không có nhiều hiệu quả. Gửi tiền ngân hàng để hưởng lãi suất thấp thì nghĩ cách khác làm ăn, kinh doanh dịch vụ, thương mại có khi là phiêu lưu nhưng nhiều cơ hội và thành công cũng rõ nét hơn. Cũng từ lãi suất huy động thấp, người dân rút tiền đầu tư vào các kênh khác và phục vụ nhu cầu của cuộc sống sinh hoạt và sản xuất. Ngoài ra, các doanh nghiệp, hộ cá thể có thể hoàn tất chu kỳ kinh doanh, thu hồi vốn trả nợ ngân hàng và tạm thời chưa có nhu cầu vay mới nên dư nợ cho vay sụt giảm.

Dù mức độ giảm không đáng kể nhưng kết quả huy động và dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trong quý I-2014 đều giảm, là tín hiệu không tốt. Chắc chắn trong thời gian còn lại của năm kế hoạch, dưới tác động tích cực của các chính sách của Chính phủ, ngành, địa phương, hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại trên địa bàn sẽ có sự chuyển biến khả quan hơn.

Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm