Cháy tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1. |
Khai mạc phiên họp, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh các mối đe dọa hạt nhân mới nhất từ sự cố hạt nhân tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 của Nhật Bản cùng với dư âm khủng khiếp của thảm họa hạt nhân Cherbobyl cách đây 25 năm, cho thấy cộng đồng thế giới cần xử lý an toàn hạt nhân quyết liệt và nghiêm túc như vũ khí hạt nhân.
Khẳng định đã đến lúc cần phản ánh và tranh luận quyết liệt, nghiêm túc về an toàn hạt nhân, ông Ban Ki-moon thông báo sẽ triệu tập hội nghị các nhà lãnh đạo thế giới vào tháng Chín tới để thảo luận cấp cao toàn cầu về vấn đề này.
Tổng thư ký hoan nghênh cam kết của các nước đóng góp 550 triệu euro để xây dựng vỏ bọc mới cho lò phản ứng hạt nhân đã bị phá hủy ở Cherbobyl để đảm bảo an toàn hạt nhân của nhà máy này trong vòng 100 năm nữa.
Ông nhấn mạnh nhân loại cần một lá chắn để bảo vệ toàn thế giới và lá chắn hạt nhân toàn cầu này sẽ được Liên hợp quốc thúc đẩy để đảm bảo các nhà máy điện hạt nhân là nguồn năng lượng hòa bình.
Theo Liên hợp quốc, sự tưởng nhớ tốt nhất các nạn nhân thảm họa Cherbobyl là đảm bảo những bài học từ thảm họa này được chuyển thành những hành động trên thực tế cải thiện và tăng cường vững chắc an toàn hạt nhân và an toàn phóng xạ. Đầu tư nghiên cứu khoa học về loại bỏ và dự trữ an toàn nhiên liệu hạt nhân phải được ưu tiên.
Bên cạnh đó, cộng đồng thế giới cần tăng cường nghị định thư hiện hành để tăng cường hợp tác năng lượng hạt nhân quốc tế và phản ứng khẩn cấp cũng như thúc đẩy các nỗ lực phát triển các thế hệ lò phản ứng hạt nhân mới với những tính năng an toàn cao nhất.
Thảm họa hạt nhân Cherbobyl đã tạo ra các đám mây phóng xạ bao phủ lãnh thổ Belarus, Ukraine và Nga, phơi nhiễm phóng xạ nồng độ cao cho 8,4 triệu người.
Liên hợp quốc đã thực hiện mọi hành động cần thiết để thúc đẩy phục hồi các khu vực bị tác động của thảm họa.
Theo TTXVN