Ông Trần Đức Phấn – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT nêu ý kiến như trên vào ngày 27.1. Thể thao Việt Nam sẽ định dạng lại chất lượng tổng thể sau kỳ đại hội trên sân nhà vào tháng 5 tới.
Lãnh đạo ngành thể thao xác định rõ, cuộc cạnh tranh giữa các đoàn tại SEA Games 31 sẽ vô cùng khốc liệt và thể thao Việt Nam cũng sẽ khó khăn khi giữ được vị trí trong tốp đầu.
Ông Trần Đức Phấn nói: “Đây có thể sẽ là kỳ SEA Games khác nhất từ trước đến nay. Chúng ta sẽ tổ chức 1 kỳ đại hội cao thượng, trung thực với mục đích thúc đẩy thể thao ASEAN phát triển, hội nhập với thể thao châu lục và hướng ra thế giới. Những cuộc họp trưởng đoàn SEA Games mà tôi từng tham dự trước đây, thường xảy ra những cuộc tranh luận rất gay gắt về các môn và nội dung thi đấu. Nhưng tại cuộc họp trưởng đoàn SEA Games 31 được Việt Nam tổ chức mới đây, các đoàn không có ý kiến gì cả. Vì chúng ta đã rất fair rồi”.
Đội tuyển nữ Việt Nam được giao mục tiêu giành huy chương vàng SEA Games 31. Ảnh: VGG |
Cũng theo ông Trần Đức Phấn, thể thao Việt Nam phải chấp nhận có thể không đứng đầu SEA Games 31. “Chúng tôi sẽ coi kỳ đại hội lần này là cơ hội để rà soát lại tổng thể toàn bộ lực lượng, chất lượng của thể thao Việt Nam. Định dạng và định lượng lại đấu trường nào thực sự cần đầu tư. SEA Games giờ cũng sẽ không là đấu trường mà chúng ta vươn tới nữa mà là đấu trường để hội nhập với sân chơi của các nước ASEAN và phấn đấu vươn tới các đấu trường lớn hơn, danh giá hơn, khốc liệt hơn" ông Phấn nhấn mạnh.
Bùi Hoàng Việt Anh - trụ cột của U.23 Việt Nam tại SEA Games 31. Ảnh: VFF |
Cũng trong ngày 27.1, ông Trần Đức Phấn đã có cuộc làm việc với Bộ Y tế về các nội dung liên quan đến công tác chuẩn bị và tổ chức SEA Games 31. Ông Nguyễn Trọng Khoa, phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) khẳng định: "Việc lùi thời điểm tổ chức SEA Games 31 giúp chúng ta có thời gian thêm chuẩn bị, nhưng tình hình dịch hiện nay đã khác với năm ngoái. Chúng tôi lo ngại về chủng mới Omicron, có thể trong thời gian tới lên khá nhanh. Mục tiêu y tế của chúng ta lần này ngoài việc cấp cứu, phản ứng với những trường hợp khẩn…thì phòng chống dịch được đặt lên hàng đầu. Trong đó, chúng ta phải xác định là bảo vệ thật tốt cho VĐV, dành ưu tiên số 1 cho những đối tượng này".
Theo đại diện của Bộ Y tế: “Nếu xuất hiện trường hợp F0 với Covid-19 thì phải có đầu mối đường dây nóng. Chúng tôi đề nghị Ban tổ chức bố trí khách sạn, địa điểm tập trung và điều trị, sẽ rất tốt nếu mỗi khách sạn có khu vực cách ly riêng cho các ca nhiễm. Nếu ca nhiễm chuyển nặng thì chuyển bệnh viện điều trị. Bộ Y tế sẽ có phương án cụ thể cho trường hợp này. Sau khi điều trị xong thì có thi đấu được hay không phụ thuộc Ban tổ chức. Nếu bệnh nhân khỏi bệnh thì phối hợp để đưa về khách sạn".
Theo đề xuất từ phía Bộ Y tế, VĐV các đoàn thể thao tham dự SEA Games 31 phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với Covid-19 trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh vào Việt Nam. Bên cạnh đó, các đoàn phải có giấy chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin Covid-19 hoặc giấy xác nhận đã từng nhiễm bệnh và có giấy chứng nhận bảo hiểm y tế quốc tế còn hiệu lực hoặc cam kết chi trả chi phí điều trị của quốc gia cử đoàn dự SEA Games, trong trường hợp người nhập cảnh bị mắc Covid-19.
Theo Trung Ninh (TNO)