Chính trị

Tin tức

Thêm trang oanh liệt vào truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 14-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào, Thái Nguyên đã nhận định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập đã tới”. Đồng thời tại Hội nghị, Trung ương đã quyết định mục đích của cuộc chiến đấu lần này là giành quyền độc lập hoàn toàn cho đất nước, thành lập chính quyền nhân dân.
      
Để đạt được mục đích đó, phải huy động toàn thể nhân dân gồm tất cả các giới, các đảng phải tham gia phong trào cứu nước, phải gấp rút vũ trang nhân dân chống Nhật và mở rộng giải phóng quân Việt Nam. Sau hội nghị, Đảng quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa, ra lời hiệu triệu kêu gọi tổng khởi nghĩa: “...Trước cơ hội có một không hai này, toàn thể dân tộc ta phải đem hết lực lượng, dùng hết can đảm, bao quanh đạo quân giải phóng Việt Nam… đánh đuổi giặc Nhật, đòi lấy tự do hạnh phúc cho nhân dân".     

 

Ảnh tư liệu

Ngày 16-8-1945, Đại hội quốc dân Tân Trào đã tán thành quyết định tổng khởi nghĩa của Đảng. Hưởng ứng lệnh tổng khởi nghĩa của Đảng và lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đã nhất tề đứng lên khởi nghĩa. Ở các tỉnh xa chưa nhận được lệnh tổng khởi nghĩa, nhưng thấm nhuần chỉ thị "Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta", căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương, các cấp ủy Đảng và Ban Việt Minh đã chủ động kịp thời phát động nhân dân nổi dậy.

Từ ngày 14-8-1945 đến ngày 18-8-1945, nhiều xã, huyện thuộc phần lớn các tỉnh ở Bắc kỳ, một số tỉnh ở Trung kỳ và Nam kỳ đã nối tiếp nhau chớp thời cơ đứng lên giành chính quyền. Sau đó 2 ngày, 16-8-1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy lực lượng vũ trang xuất phát từ Tân Trào tiến về thị xã Thái Nguyên. Quân giải phóng chiếm nhiều vị trí, bao vây và tiến công quân Nhật trong thị xã. Trước đó, tại Hà Nội, quần chúng ở nội-ngoại thành đã sẵn sàng xuống đường. Chính quyền bù nhìn rệu rã đến cực điểm. Khâm sai Bắc kỳ đã bỏ nhiệm sở ở Hà Nội. Điều kiện khởi nghĩa ở Hà Nội đã chín muồi. Ngày 18-8-1945, Ủy ban Quân sự cách mạng đã lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền. Tiếp đến, ngày 19-8-1945, hàng chục vạn nhân dân Hà Nội với khí thế cách mạng sục sôi xuống đường, biểu dương lực lượng. Cuộc biểu tình thị uy nhanh chóng biến thành cuộc khởi nghĩa giành chính quyền. Quần chúng dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng và Việt Minh, đã lần lượt chiếm Phủ khâm sai Bắc kỳ, Sở Mật thám, Sở Cảnh sát, Sở Bưu điện, Trại Bảo an. Hơn một vạn quân Nhật không dám chống cự. Cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội thắng lợi đã cổ vũ các địa phương trong cả nước đứng lên giành chính quyền.

Ở Huế, cuộc khởi nghĩa nổ ra ngày 23-8-1945. Hàng chục vạn người đã biểu tình thị uy, chiếm các công sở. Còn ở Sài Gòn, sáng 25-8-1945, quần chúng tràn xuống đường phố chiếm Sở Cảnh sát, Nhà ga, Bưu điện, Nhà máy điện, giành toàn bộ chính quyền. Thắng lợi ở Sài Gòn có ảnh hưởng quyết định đối với cuộc khởi nghĩa ở Nam kỳ. Trong những ngày tháng Tám năm ấy, chúng ta đã biết, hàng loạt các cuộc biểu tình, nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân nổ ra hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước, từ miền xuôi đến miền núi, từ Bắc chí Nam và cả nông thôn, lẫn thành thị với sự tham gia của cả công nông; trí thức và các lực lượng yêu nước.

Cách mạng Tháng Tám 1945 là một sự kiện vĩ đại trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, phá tan xiềng xích nô lệ của phát xít Nhật, của thực dân Pháp trong gần một thế kỷ; lật nhào chế độ quân chủ chuyên chế ngót chục thế kỷ ở nước ta, lập ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà-nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Đưa nước ta từ một nước thuộc địa, nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, Dân chủ Cộng hòa, đưa dân ta từ người nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, đưa Đảng ta từ một Đảng bất hợp pháp trở thành một Đảng cầm quyền trong cả nước.

Cách mạng Tháng Tám mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc ta-kỷ nguyên độc lập, tự do và tiến lên chủ nghĩa xã hội, ghi thêm trang oanh liệt vào truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm anh hùng bất khuất của dân tộc ta. Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống yêu nước, kiên cường bất khuất từ ngàn xưa. Ách áp bức bóc lột tàn bạo của phát xít Nhật đã thúc đẩy nhân dân ta vùng dậy đấu tranh để đập tan xiềng xích nô lệ, giành lấy độc lập tự do. Vì vậy, khi Đảng  giương cao ngọn cờ cứu nước thì mọi người Việt Nam đã nhất tề hưởng ứng, nhất tề đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ chín muồi xuất hiện.

Đảng Cộng sản Đông Dương, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh là người trực tiếp lãnh đạo và tổ chức thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Tám. Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta chuẩn bị lực lượng lâu dài, trải qua các cuộc diễn tập năm 1930-1931 và 1936-1939, đã động viên, giác ngộ, tổ chức được các tầng lớp nhân dân, phát động được lực lượng to lớn của công nông, thực hiện được khối liên minh công nông vững chắc; trên cơ sở đó tập hợp được mọi lực lượng yêu nước trong mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi. Bài học lịch sử từ chiến thắng trong cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, cho đến giờ vẫn như nguyên vẹn: Giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, tập hợp mọi lực lượng trong mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi dựa trên cơ sở công nông liên minh. Thấu suốt tư tưởng cách mạng bạo lực, kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, kết hợp khởi nghĩa ở nông thôn với khởi nghĩa ở thành thị để giành chính quyền. Đồng thời, tích cực chuẩn bị, chớp lấy thời cơ, dũng cảm phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền... Ngày nay, xây dựng và bảo vệ đất nước là hai nhiệm vụ không thể tách rời, để giành thắng lợi cả hai nhiệm vụ đó, phải trên cơ sở sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng thuận và triệt để thực hiện của mọi tầng lớp nhân dân, sự điều hành của chính quyền của dân, do dân, vì dân ở tất cả các cấp bằng pháp luật.

Bích Hà
(Có tham khảo sách “Bác Hồ ở Tân Trào”-NXB Chính trị Quốc gia-2001 và một số tài liệu liên quan).

Có thể bạn quan tâm