Một loạt thay đổi về điều kiện bồi thường, hình thức rủi ro… sẽ được điều chỉnh theo hướng có lợi hơn cho nông dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp.
Cụ thể, quyết định mới đã nâng mức năng suất được bảo hiểm đối với cây lúa lên 90% năng suất bình quân xã hoặc của đơn vị được bảo hiểm thay cho mức 80% hiện hành. Quy định này được áp dụng cho tất cả các địa phương triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đối với cây lúa.
Theo Bộ Tài chính, quy định mới này sẽ tăng thêm quyền lợi cho người được bảo hiểm khi xảy ra thiệt hại về cây lúa do thiên tai, dịch bệnh gây ra và thuộc phạm vi bảo hiểm ra, về điều kiện bồi thường chi phí gieo trồng lại, theo quy định cũ, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ bồi thường chi phí này trong trường hợp trên 20% diện tích lúa thực tế trong xã bị thiệt hại. Tuy nhiên, thực tế triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp cho thấy, đối với một số địa phương có diện tích lúa lớn thì 20% diện tích lúa bị thiệt hại trong xã bị thiệt hại trong thời gian cấy/sạ cũng là số lượng rất lớn.
Bởi thế, để phù hợp với thực tiễn, Bộ Tài chính quyết định sẽ tính toán chi phí gieo trồng lại trong trường hợp trên 5 héc-ta lúa thực tế trong xã bị thiệt hại.
Cũng trong quyết định mới của Bộ Tài chính, một số rủi ro được bảo hiểm đối với cây lúa, vật nuôi đã được bổ sung như: thiên tai (giông, lốc xoáy); dịch bệnh đối với trâu, bò (tụ huyết trùng, nhiệt thán), lợn (đóng dấu, phó thương hàn, tụ huyết trùng, dịch tả), gà, vịt (bệnh Niu-cát-xơn, gumboro và dịch tả - vịt)...
Ngoài ra, một số quy định được cho là chưa phù hợp với thực tế cũng đã được bỏ trong quy định mới của Bộ Tài chính.
Trong đó, quy định về điều kiện số lượng vật nuôi tham gia bảo hiểm đã được quyết định mới hủy bỏ nhằm tạo điều kiện cho tất cả hộ nông dân được tham gia bảo hiểm nông nghiệp khi có nhu cầu.
Trước đây (theo Quyết định 3035/QĐ-BTC), thiệt hại về vật nuôi do dịch bệnh gây ra phải trên mức 10% tổng đàn tính trên quy mô toàn xã (đối với trường hợp chăn nuôi cá lẻ) và trên mức 10% số lượng vật nuôi (đối với trường hợp chăn nuôi trang trại) mới được xem xét, giải quyết bồi thường bảo hiểm.
Tuy nhiên, những quy định này cũng đã được bỏ đi trong thông báo mới nhất của Bộ Tài chính giúp nông dân giải quyết vướng mắc về bồi thường.
Theo TTXVN
Tính tới nay, sau hơn 1 năm thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, đã có tất cả 20 tỉnh, thành phố với hơn 100.000 hộ dân đã tham gia ký hợp đồng bảo hiểm (trong đó 88% hộ nghèo). Với số lượng hộ dân này, tổng giá trị bảo hiểm cây trồng, vật nuôi là 1.027 tỷ đồng, trong đó phí bảo hiểm là 53,9 tỷ đồng. Trong giai đoạn thí điểm từ 2011-2013, Nhà nước hỗ trợ 100% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân nghèo, 80% cho hộ nông dân, cá nhân cận nghèo và 20% cho tổ chức sản xuất nông nghiệp.