Kinh tế

Nông nghiệp

Thị trường gạo nội địa: Giảm sức mua

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sức mua trên thị trường gạo nội địa hiện đang giảm mạnh, thậm chí giảm đến hơn một nửa so với thời điểm cách đây vài năm. Nguyên nhân là do sức ép cạnh tranh từ nhiều loại gạo nhập khẩu, đồng thời gạo không còn là loại lương thực số một trong bữa ăn của nhiều gia đình.

Sức ép cạnh tranh từ gạo Thái Lan, Campuchia

Dạo quanh các siêu thị và đại lý gạo trên địa bàn TP. Pleiku, hầu như nơi nào cũng có bày bán các sản phẩm gạo xuất xứ từ Thái Lan, Campuchia, Đài Loan hoặc cao cấp hơn là gạo Nhật Bản... Tại đại lý gạo Hiền (đường Hai Bà Trưng, TP. Pleiku) có đến trên chục mặt hàng gạo được bày bán, bên cạnh các sản phẩm gạo Việt như: Tài Nguyên, Ép Đak Lak, Thơm Lài, dẻo loại 1 Phan Thiết… với giá khá mềm từ 10.000 đồng đến 16.000 đồng/kg, còn có đến 3-4 sản phẩm gạo ngoại như Thơm dẻo Thái, Lài Sữa Thái, gạo Đài Loan… với mức giá cao hơn từ 7.000 đồng đến 9.000 đồng/kg.

 

Gạo Việt bị gạo ngoại cạnh tranh gay gắt. Ảnh: Anh Tuấn

Không chỉ bị cạnh tranh với các loại gạo trên, hiện gạo Việt còn bị cạnh tranh bởi gạo Campuchia. Tuy mới chuyển sang dùng gạo Campuchia thời gian gần đây nhưng chị Lê Thị Mai Thương (phương Hội Thương, TP. Pleiku) khá ưa thích loại gạo này. Theo chị Thương, gạo Campuchia giá không quá cao (14.000 đồng/kg) mà ăn lại rất thơm cơm, ngon ngọt. “Hơn nữa, nghe nói bên Campuchia họ trồng lúa đến 6 tháng/vụ nên mình nghĩ chất lượng gạo của họ đảm bảo hơn”-chị Thương chia sẻ.

Tâm lý “sính” gạo ngoại hoặc muốn thay đổi khẩu vị của một số bộ phận khách hàng đã khiến doanh số gạo Việt trên thị trường đang có nguy cơ sụt giảm mạnh. Chị Phan Thị Hiền-Chủ đại lý gạo Hiền, cho biết: Hiện nay đa số khách hàng ưa chuộng sản phẩm gạo Đông Xuân, nhất là của Đak Lak, Phan Thiết, một số khách hàng có điều kiện khá hơn thì mua gạo Thái hoặc Đài Loan. Tuy nhiên, so với những năm trước thì sức mua giảm hơn nhiều, nếu trước bán 10 thì nay chỉ chừng 3-4 phần. Còn theo ông chủ đại lý gạo Vĩnh Sơn (đường Nguyễn Thiện Thuật)-một trong những đại lý lớn nhất nhì TP. Pleiku thì giờ đại lý đã thu hẹp quy mô, chủ yếu bán lẻ và nguồn hàng đa số lấy lại từ các đầu mối khác trên địa bàn chứ không mua trực tiếp như trước đây. “Hiện mỗi ngày đại lý chỉ bán lẻ được chừng 2 tạ gạo”-Chủ đại lý cho biết.

Bên cạnh đó, gạo Việt cũng có sự cạnh tranh lẫn nhau. Mặc dù Gia Lai nổi tiếng có vựa lúa Phú Thiện-Ayun Pa với diện tích trồng lúa trên chục ngàn ha, nhưng thực tế loại gạo này ít được ưa chuộng trên thị trường. “Khách hàng không mấy khi lựa chọn mua gạo Gia Lai vì không dẻo, không ngon bằng một số gạo khác có giá tương đương trên thị trường”-Chủ đại lý gạo Hiền nêu thực tế.

Không còn mặn mà với cơm

Lúa gạo là một trong những thực phẩm quan trọng và không thể thiếu trong bữa ăn của người Việt-cư dân một đất nước thuần nông. Chính vì thế bữa ăn còn được người Việt gọi là bữa cơm. Vậy nhưng, trong cuộc sống hiện đại, những bữa cơm gia đình ngày càng ít đi kể cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Chỉ mua 50.000 đồng tiền gạo tại đại lý gạo Hiền, bà Võ Thị Ba (16 Trần Quý Cáp, TP. Pleiku) tâm sự: “Trước kia nhà đông người nên mỗi tháng tôi mua cả bao 50 kg. Nhưng nay chỉ có 2 mẹ con, với lại cũng ít khi nấu ăn ở nhà nên tôi chỉ mua chừng này (khoảng 5 kg gạo) cho cả tháng”. Còn chị Lại Thị Phương Thảo (2 Cao Bá Quát, TP. Pleiku) cho biết: “Gia đình chị đông người nhưng cũng chỉ mua chừng 10 kg gạo mà ăn mãi mới hết”.

Không chỉ giảm về số lượng bữa cơm được nấu trong ngày, ngay cả số lượng gạo nấu trong mỗi bữa hiện nay cũng giảm đi khá nhiều, rất nhiều gia đình có đến 4 người nhưng chỉ nấu chừng một lon gạo. “Do tâm lý sợ mập nên mình và con gái ăn ít cơm lắm, đôi khi buổi chiều mình chỉ ăn vài thìa cho có thôi. Mà ông xã thì đi nhậu thường xuyên nên cơm nấu lúc nào cũng thừa”-chị Thúy Hường (phường Tây Sơn, TP. Pleiku)-một bà nội trợ chia sẻ. Theo chị Thúy Hường, con trai chị cũng ít thích ăn cơm, món ăn ưa thích của bé là món gà rán Jolibee, thậm chí đôi khi bé còn đòi ăn bánh mỳ hoặc mì tôm thay cơm.

Cuộc sống hiện đại, sự giao thoa văn hóa với các nước trong khu vực và thế giới ngày càng phát triển, bên cạnh những mặt tích cực thì sự tác động mạnh mẽ đến ẩm thực, thói quen ăn uống của Việt Nam là điều không tránh khỏi. Rất nhiều nhà hàng Tây, Tàu, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… thi nhau xuất hiện trên các tuyến phố, con đường tại Pleiku. Vì vậy, bữa cơm ngày càng biến tấu, mất dần đi văn hóa đặc sắc, trong đó món cơm trước được coi là chủ đạo thì nay ít được xem trọng, thay vào đó là bánh mì, bún, phở và rất nhiều món ăn nhanh khác như: gà rán, khoai tây chiên (Mỹ), pizza (Ý), mì lạnh (Hàn Quốc)...

Dã Quỳ

Có thể bạn quan tâm