Kinh tế

Thị trường rượu-Thật giả lẫn lộn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có công tác chống rượu giả đứng đầu thế giới, với tỷ lệ rượu giả giảm từ mức 9,1% năm 2009 xuống còn 6,6% năm 2010 và chỉ còn 4,4% năm 2012 (số liệu khảo sát của Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam). Tuy nhiên, trên thực tế thực trạng rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc lưu thông trên thị trường vẫn còn nhiều, đặc biệt là dịp lễ, Tết, các khu vực vùng sâu, vùng xa.

Không chỉ các loại rượu ngoại đắt tiền, có thương hiệu nổi tiếng như: Chivas, Johnnie Walker, Macallan, Ballantine’s, Martell, Royal Salute, Hennessy… bị làm giả mà ngay cả các loại rượu sản xuất trong nước, có giá vừa phải, tương đối phù hợp với phần lớn người dân Việt Nam như Voka Hà Nội, thậm chí các loại rượu sản xuất thủ công như rượu Làng Vân, rượu cần  Tây Nguyên… cũng có thể bị “nhái” thương hiệu.

 

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra mặt hàng rượu ngoại. Ảnh: L.L

Theo Hiệp hội Chống rượu giả quốc tế tại Việt Nam (IFSP Việt Nam), năm 2011, IFSP phối hợp với các cơ quan chức năng Việt Nam triệt phá 21 vụ, bắt 16 đối tượng làm rượu giả, thu giữ 6.300 dụng cụ làm giả như vỏ chai, hộp thành phẩm, nắp, nút, tem... Từ đầu năm đến tháng 8-2012, cơ quan chức năng đã triệt phá 13 vụ, bắt giữ 13 đối tượng làm giả, thu giữ 6.513 dụng cụ làm giả...

Ông Ngô Mạnh Tùng- đại diện ủy quyền của Hiệp hội Chống rượu giả quốc tế tại Việt Nam cho biết: Rượu giả tràn vào thị trường Việt Nam thường thông qua hai con đường, nhập từ nước ngoài về và sản xuất trong nước. Trong đó, khả năng sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ nhiều hơn, công nghệ làm rượu giả ngày càng tinh vi hơn. Để đối phó với cơ quan chức năng, những đối tượng làm giả chỉ hoạt động theo kiểu “cuốn chiếu” tức là chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng hoặc làm tới đâu bán tới đó chứ không dự trữ cả trăm chai như trước đây.

Theo số liệu thống kê của Bộ Công thương, đến nay cả nước đã cấp được 126 giấy phép sản xuất rượu, tổng sản lượng rượu công nghiệp được cấp phép sản xuất là 127,4 triệu lít, trong đó có 128 lít rượu cồn. Tại Gia Lai, hiện chưa có dự án nào sản xuất rượu có quy mô lớn, chủ yếu vẫn là sản xuất thủ công, quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ. Vì thế, toàn tỉnh vẫn chưa có cơ sở nào được cấp giấy phép sản xuất rượu. Đối với lĩnh vực kinh doanh, tỉnh đã cấp 192 giấy phép kinh doanh rượu, trong đó, 185 cơ sở kinh doanh bán lẻ và 7 cơ sở kinh doanh bán buôn rượu.  

Thực tế công tác quản lý sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá lỏng lẻo, chưa được quan tâm đúng mức, hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu đều không đạt tiêu chí theo quy định. Việc trà trộn buôn bán giữa rượu thật, rượu giả trên thị trường khá tinh vi hoặc diễn ra ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, cơ quan chức năng khó kiểm soát. Bên cạnh đó, số vụ ngộ độc rượu luôn là đề tài “nóng” tại địa phương.

Theo thống kê, từ năm 2010 đến nay, Gia Lai đã xảy ra gần 20 vụ ngộ độc thực phẩm với tổng số 1.012 người bị ảnh hưởng. Trong đó, có 5 vụ ngộ độc do uống rượu làm chết 9 người. Đáng nói là những vụ ngộ độc này xảy ra tại những vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn như huyện Kông Chro, Đak Pơ, Đak Đoa…

Trước thực trạng trên, mới đây Cục Quản lý thị trường (QLTT) Việt Nam đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ QLTT cho 22 Chi cục QLTT ở các tỉnh miền trung và Tây Nguyên tại Gia Lai, đặc biệt đã mời đại diện các hiệp hội tư vấn, giới thiệu về các phương pháp nhận biết, phân biệt hàng giả, trong đó có mặt hàng rượu.

Một số giải pháp, kiến nghị về quản lý rượu cũng được nêu như ra như: tăng cường công tác quản lý cấp giấy phép sản xuất và kinh doanh rượu; kiểm soát chặt chẽ hơn việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu và lưu thông tiêu thụ rượu trên thị trường; giám sát kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, an toàn lao động, môi trường của các cơ sở sản xuất rượu… Đồng thời, tăng cường công tác bảo vệ người tiêu dùng trước việc mua và sử dụng rượu lậu, rượu kém chất lượng; tuyên truyền giáo dục để mọi người nâng cao nhận thức, nguy cơ tác hại của việc lạm dụng rượu.

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm