Kinh tế

Thị xã An Khê phát triển mô hình nuôi động vật hoang dã

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Anh Nguyễn Văn Cư, thôn An Thượng 3, xã Song An được xem là người tiên phong tại thị xã An Khê (Gia Lai) khi đưa nhím bờm về nuôi thử nghiệm, thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Anh Cư nhớ lại: “Gia đình tôi nuôi nhím từ năm 2007. Ngày ấy, tôi bán 4 con bò lai được 14 triệu đồng, rồi lặn lội đi vào tận huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) mua được một cặp nhím về nuôi. Hiện gia đình có 10 cặp nhím sinh sản. Mỗi năm gia đình xuất khoảng 20 cặp nhím con cho các hộ dân tại các huyện, thị xã khu vực phía Đông tỉnh và xuất đi một số tỉnh. Hàng năm sau khi trừ mọi chi phí gia đình tôi thu nhập được khoảng 170-180 triệu đồng từ nghề nuôi nhím. Trong thời gian tới, gia đình sẽ mở rộng thêm mô hình này, ngoài cung cấp nhím giống còn cung cấp nhím thịt cho các nhà hàng và nuôi thêm một số loại khác”.

Anh Cư đang chăm sóc đàn nhím của gia đình. Ảnh: L.N
Được biết, nhím là loại động vật mang lại hiệu quả kinh tế cao, rất dễ nuôi. Người nuôi nhím chỉ phải bỏ ra nguồn vốn ban đầu mua giống, làm chuồng trại. Thức ăn cho nhím lại rất dễ kiếm. Ngoài ra, nhím rất thích hợp với điều kiện khí hậu ở Gia Lai, ít bị dịch bệnh và sinh trưởng rất nhanh. Bình quân mỗi năm nhím sinh sản 2 lần, mỗi lần 1-3 con và chỉ sau 3 tháng là có thể bán nhím giống. Hiện nay, trên thị trường giá mỗi cặp nhím giống đang dao động khoảng 10-15 triệu đồng.

Cũng như gia đình anh Cư, chị Nguyễn Thị Chiến, tổ 10, phường An Bình cũng chọn hướng phát triển kinh tế gia đình bằng cách nuôi nhím. Chị Chiến cho biết: “Nhím rất dễ nuôi, chi phí thức ăn thấp, thậm chí gia đình có thể tận dụng những loại củ quả bỏ đi để làm thức ăn cho nhím. Hàng năm sau khi trừ chi phí gia đình cũng thu được gần 70 triệu đồng từ việc bán nhím giống”.

Ông Nguyễn Văn Tấn-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã An Khê cho biết: “Trong mấy năm gần đây, mô hình nuôi động vật hoang dã đã phát triển mạnh trên địa bàn thị xã. Trên địa bàn thị xã hiện có hơn 11 tổ chức và cá nhân được cấp giấy chứng nhận đăng ký trại nuôi nhốt động vật hoang dã. Chúng tôi tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn cho các hộ gia đình làm các thủ tục để có giấy phép nuôi nhốt động vật hoang dã. Sau khi các hộ gia đình đã có giấy phép, chúng tôi đã cấp cho các tổ chức, cá nhân đăng ký nuôi sổ theo dõi động vật. Do đó, khi số lượng tăng hay giảm phải báo cáo liền với Kiểm lâm”.

Mô hình nuôi động vật hoang dã ở thị xã An Khê không chỉ giúp nông dân làm giàu mà nó còn góp phần hạn chế tình trạng săn bắt động vật hoang dã trái phép.

Lê Nam

Có thể bạn quan tâm