Thị xã Ayun Pa: Đưa bệnh nhân phong hòa nhập cộng đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tình trạng ngược đãi, xa lánh, hắt hủi bệnh nhân phong đã được xóa bỏ. Bệnh phong hiện nay có nhiều loại thuốc đặc trị, chỉ sau 5 ngày dùng thuốc Rifampicine sẽ hạn chế việc lây lan của vi khuẩn tới 99,9%. Tại các buôn làng, người mắc bệnh phong có thể cùng ăn, cùng ở chung một mái nhà…  
Thị xã Ayun Pa (Gia Lai) còn 5 bệnh nhân phong tại phường Đoàn Kết, xã Ia Rtô và Ia Sao. Các bệnh nhân này được đội ngũ y tế thôn làng, trạm y tế xã, phường, già làng, trưởng thôn thường xuyên đến tận nhà phát thuốc do Trung tâm Phòng- chống Bệnh xã hội tỉnh cấp.

Anh Ksor Dek-cán bộ chuyên trách phong Trung tâm Y tế thị xã xuống nhà bệnh nhân phong Rô Hép, buôn Ama Dương, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa chia sẻ, nhắc nhở các biện pháp sinh hoạt hàng ngày để tự chăm sóc mình. Ảnh: H.S
Anh Ksor Dek- cán bộ chuyên trách phong Trung tâm Y tế thị xã xuống nhà bệnh nhân phong Rô Hép, buôn Ama Dương, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa chia sẻ, nhắc nhở các biện pháp sinh hoạt hàng ngày để tự chăm sóc mình. Ảnh: H.S
Việc vận động, tuyên truyền người dân chung tay phát hiện và ngăn ngừa bệnh phong được các cấp chính quyền và Trung tâm Y tế thị xã quan tâm. Bệnh phong thường có thời gian ủ bệnh kéo dài, có thể là 2 năm, có trường hợp tới 20 năm. Giai đoạn đầu, bệnh biểu hiện các nốt hình củ, lở loét, mất cảm giác… Việc tuyên truyền để người dân sớm phát hiện điều trị, tránh phát bệnh gây dị dạng, rụng các đốt tay, chân… là việc cần làm thường xuyên. Trung tâm Phòng-chống Bệnh xã hội tỉnh ngoài việc cấp thuốc miễn phí, còn tổ chức tập huấn cho các cán bộ chuyên trách phong cấp huyện, thị xã. Tại địa phương, Trung tâm Y tế thị xã chủ trì tập huấn đối với y tế thôn làng, già làng, trưởng thôn; phổ biến kiến thức bệnh phong. Trung tâm Y tế thị xã kết hợp với đội ngũ nói trên xuống tận các thôn, làng giải thích người dân hiểu được bệnh phong không di truyền, bệnh rất khó lây và có thể chữa khỏi, xây dựng các cụm panô, phát tờ rơi có in hình ảnh, chú thích các dấu hiệu biểu hiện của bệnh phong để người dân nhận thức về bệnh, chung tay phát hiện và đưa người có dấu hiệu nhiễm bệnh đến các Trung tâm Y tế chẩn đoán và điều trị.


Là địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống do đó việc điều trị luôn song hành với công tác tuyên truyền, quan tâm nhắc nhở đối với người bệnh. Anh Ksor Dek-cán bộ chuyên trách phong Trung tâm Y tế thị xã chia sẻ: “Mình thường xuyên xuống nhà bệnh nhân phát thuốc, nhắc nhở họ đi rẫy phải dùng vải, dây cao su quấn vào cán cuốc để tránh lở tay. Về nhà hạn chế tiếp xúc với lửa, nấu ăn nên để người nhà làm vì tay mất cảm giác dễ bị lửa cháy gây nhiễm trùng. Không nên hút thuốc vì dễ cháy tay…”.

Chia sẻ với người bệnh, các nhà hảo tâm trên địa bàn thường xuyên hỗ trợ gạo, mắm, dầu ăn… cho các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Bệnh nhân phong Rô Hép, buôn Ama Dương, phường Đoàn Kết cho biết: “Mình từ Trại Phong tỉnh Phú Yên về. Bà con trong buôn không xa lánh mình, cùng ăn, cùng ở với mình. Vì bàn tay và chân bị rụng hết các ngón, không đi làm được nên mình thường xuyên được hỗ trợ gạo, mắm, dầu ăn”.

Anh Dek cho biết thêm: “Trong thời gian tới, Trung tâm Y tế thị xã tiếp tục tập huấn cho các y tế thôn làng, già làng, trưởng thôn. Phổ biến đến người dân về các dấu hiệu bệnh phong, đẩy mạnh tuyên truyền toàn xã hội chung tay phòng-chống bệnh, chăm sóc giúp bệnh nhân phong hòa nhập cộng đồng, tránh miệt thị, xa lánh, hắt hủi”.
Hồng Sơn

Có thể bạn quan tâm