Thị trấn La Faute-sur-Mer ở tỉnh Vendée của Pháp rộng 7,26km2 được xây dựng bằng cách lấn biển. Nhắc đến thị trấn này, mọi người lại nhớ đến thảm kịch bão Xynthia năm 2010.
15 ngày sau bão Xynthia, Tổng thống Nicolas Sarkozy đến thị sát tỉnh Vendée - Ảnh: Ouest France |
Bão gieo rắc kinh hoàng đã cướp đi sinh mạng 47 người ở Pháp, trong đó có 29 nạn nhân tại thị trấn rốn lũ La Faute-sur-Mer. Từ đó thị trấn chết danh với cái tên "vùng trũng tử thần".
Chúng ta phải tự hỏi làm thế nào tại nước Pháp vào thế kỷ 21 lại có nhiều gia đình có thể bị đánh úp trong giấc ngủ và chết đuối trong nhà mình. Tổng thống Pháp NICOLAS SARKOZY |
"Nếu nhận được thông báo, chúng tôi đã sơ tán"
Bão Xynthia hoành hành Tây Âu từ ngày 26-2-2010 đi qua Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, Thụy Sĩ, Bỉ, Luxembourg và Đức trước khi bão tan ở Anh. Tại Pháp từ ngày 25-2, cơ quan khí tượng đã liên tục phát cảnh báo bão trên các phương tiện truyền thông. Nửa đêm 27-2, bão đổ bộ vào Pháp, bắt đầu từ vùng duyên hải các tỉnh Vendée, Charente-Maritime và Gironde, sau đó tiến dọc bờ biển và vào trung tâm.
Bão Xynthia kết hợp mọi yếu tố để trở thành thảm họa quốc gia. Gió dữ dội giật 160 km/h, thậm chí 200 km/h ở dãy núi Pyrénées. Mưa lớn kết hợp với thủy triều lên rất cao. Đê bao ven biển tan tác, nước biển ập vào các khu vực trũng thấp. Nhà cửa ngập sâu vài mét nước. Ôtô, thuyền buồm đều bị đổ, đường sá gãy nứt, cây cối ngã la liệt. Gần 1/4 nước Pháp bị ảnh hưởng gió mạnh. Đường bộ, đường sắt và đường hàng không gián đoạn nghiêm trọng.
Vài ngày sau bão, nhiều câu hỏi được đặt ra ở thị trấn La Faute-sur-Mer: các biện pháp dự báo thích hợp đã được thực hiện chưa? Tại sao các công trình được phép xây dựng dưới mực nước biển? Đê đủ sức chống chọi bão lớn hay không? Người dân gửi đơn kiện thị trưởng René Marratier và hội đồng thị trấn. Bốn năm rưỡi sau bão, phiên tòa Xynthia (lấy tên cơn bão) khai mạc ngày 15-9-2014. Bên nguyên đơn gồm 120 người dân. Trong 5 bị cáo có cựu thị trưởng René Marratier (năm 1989-2014).
Trước tòa, các nhân chứng lần lượt kể lại vào đêm kinh hoàng 27-2-2010 ở La Faute-sur-Mer, họ đã nhìn thấy sóng ập vào nhà như thế nào lúc nửa đêm. Ban đầu nước ngập chỉ 10cm, sau đó nhanh chóng dâng đến 1,5m, có nơi 2,8m. Gió quật vỡ cửa nẻo. Họ tuyệt vọng leo lên thang, tủ hoặc tường thấp để ẩn náu. Hầu hết nhà cửa chỉ có một tầng. Nơi chờ cứu trợ duy nhất là mái nhà.
Buồn nhất là câu chuyện của bác sĩ cấp cứu Ahmed Bounaceur. Anh chứng kiến mẹ, vợ và ba trong bốn đứa con chết trước mắt. Anh kể: "Tôi nhìn thấy thi thể của mẹ tôi và vợ tôi trôi trên dòng nước. Tôi nghe tiếng khóc của mấy đứa con kêu cứu nhưng tôi không thể làm gì được. Tôi đã hết sức rồi". Trước tòa, anh nghẹn ngào: "Tôi muốn chết trước họ để khỏi nhìn thấy cảnh họ chết". Chị Roselyne Rossignol kể: "Chúng tôi biết người hàng xóm nằm liệt giường nhưng không thể giúp bà ấy". Sau trận lụt đêm nào chị cũng ngủ không yên giấc.
Các nạn nhân đã dùng lời lẽ rất gay gắt đối với hội đồng thị trấn La Faute-sur-Mer và thị trưởng René Marratier. Họ tố cáo không biết thông tin gì về nguy cơ lũ lụt. Chị Evelyne Deregnaucourt giải thích: "Chúng tôi chưa bao giờ nghe chính quyền nói về các rủi ro. Sau này tôi mới biết ở văn phòng hội đồng thị trấn có rất nhiều tờ rơi về nguy cơ lụt nhưng không ai đi phát cho dân". Chị Bernadette Le Roy khẳng định: "Chúng tôi không hề sợ hãi. Nếu nhận được thông báo, chúng tôi đã sơ tán".
Kế đến gia đình các nạn nhân trách cứ những người đứng đầu địa phương vô cảm trước nỗi đau của dân. Họ phải sang thị trấn bên cạnh nghe ngóng thông tin mới được giúp đỡ về tâm lý. Không có quan chức nào đến thăm dân. Hội đồng thị trấn không dành một phút mặc niệm các nạn nhân trong cuộc họp, không cho dựng tấm biển tưởng niệm ghi tên các nạn nhân và phớt lờ các cuộc gặp với dân.
Trước tòa, cựu thị trưởng René Marratier cầu xin tha thứ nhưng không thừa nhận thiếu sót đã trì hoãn thông qua kế hoạch phòng chống rủi ro lũ lụt và đổ lỗi: "Tôi đã làm hết những gì có thể với năng lực tinh thần và trí tuệ kém cỏi của mình". Bị cáo đổ lỗi cho hội đồng thị trấn chỉ chăm chăm phát triển thị trấn nhằm thu hút khách du lịch.
Cựu thị trưởng René Marratier (giữa) cùng hai luật sư trong phiên tòa sơ thẩm - Ảnh: actu.fr |
Bài học xương máu từ bão Xynthia
Xynthia là một trong những cơn bão dữ dội nhất ở Pháp sau hai cơn bão Lothar và Martin đổ bộ cuối năm 1999. Ngoài thiệt mạng về người, thiệt hại có bảo hiểm lên đến 1,4 tỉ USD đối với 0,5 triệu người bị ảnh hưởng. Các nhà tâm lý học nhận định hậu quả nghiêm trọng hơn là các nạn nhân bị tổn thương thời gian dài và mắc nhiều chứng bệnh như gặp ác mộng, ám ảnh, căng thẳng và trầm cảm bởi bão Xynthia đột ngột ập đến nhà họ vốn là nơi an toàn, riêng tư.
Nguyên nhân dẫn đến tấn thảm kịch 29 người chết là do thị trấn phát triển du lịch trên địa hình doi đất bị kẹp giữa biển và sông. Chính quyền thoải mái cấp phép xây dựng trên khu vực ngập lụt ven biển.
Một năm sau bão Xynthia, Bộ Sinh thái Pháp đã trình Kế hoạch quốc gia về ngập nước nhanh (PSR). Đây là lần đầu tiên Pháp tiến hành phương thức tiếp cận toàn diện và tổng hợp trong quản lý lũ lụt nhằm dự báo rủi ro trên toàn quốc. Kế hoạch nhắm đến các mục tiêu:
* Kiểm soát quá trình đô thị hóa và khả năng thích ứng của các công trình xây dựng đối với lũ lụt.
* Củng cố các hệ thống giám sát, dự báo, cảnh báo và mức độ tin cậy của các công trình. Mở rộng hệ thống cảnh báo lũ lụt, xây dựng hệ thống cảnh báo mới về lũ quét, xây dựng kế hoạch ngăn ngừa rủi ro ven biển.
* Xây dựng chương trình quản lý môi trường nước và ngăn ngừa lũ lụt (GEMAPI) cho chính quyền các địa phương.
* Các cộng đồng dân cư tiến hành chương trình hành động phòng chống lũ lụt (PAPI) và các dự án kè ngoài chương trình PAPI nhằm gia cố 1.200km đê điều.
l Nâng cao kiến thức về rủi ro cho dân và cải thiện khả năng chống ngập của dân. Cư dân sống trong các khu vực dễ ngập phải trang bị bộ dụng cụ chờ cứu hộ khẩn cấp. Họ cần biết các biện pháp cứu hộ của địa phương và tham gia diễn tập cứu hộ. Qua cổng thông tin Géorisques, người dân có thể xem tình hình nhà cửa của mình trước nguy cơ lũ lụt.
Pháp xác định "khu vực đen" để chỉ các khu vực cực kỳ nguy hiểm với các nguy cơ có thể dẫn đến chết người. Tổng cộng có hơn 500 nhà tại thị trấn La Faute-sur-Mer nằm trong danh sách "khu vực đen" bị phá hủy. Pháp đã thực hiện chương trình mua lại nhà cửa trong các khu vực ngập lụt với giá thỏa thuận. Bên cạnh "khu vực đen" còn có "khu vực vàng", tức các khu vực có nguy cơ nhưng có thể kiểm soát bằng hệ thống cảnh báo và sơ tán dân cùng các quy định kỹ thuật cho nhà cửa xây dựng.
Án tù cho sự tắc trách
Sau năm tuần tranh luận, tòa sơ thẩm tuyên án cựu thị trưởng René Marratier 4 năm tù giam và nộp phạt 30.000 euro về tội vô ý làm chết người và gây nguy hiểm đến tính mạng người khác. Cựu phó thị trưởng Françoise Babin phụ trách quy hoạch đô thị bị kết án 2 năm tù giam và nộp phạt 75.000 euro. Philippe Babin (con trai bà Françoise Babin) làm công ty bất động sản bị kết án 18 tháng tù. Patrick Maslin - cựu ủy viên hội đồng thị trấn phụ trách xây dựng và công trình công cộng - mắc bệnh chết trước khi tòa tuyên án.
Báo chí Pháp bình luận đây là bản án vô tiền khoáng hậu ở Pháp vì lần đầu tiên tòa kết án quan chức dân cử địa phương án tù về hành vi vô ý trong khi thi hành công vụ. Năm 2016, tòa phúc thẩm giảm án cho René Marratier còn 2 năm tù treo và cấm giữ chức vụ công vĩnh viễn (trừ các chức vụ dân cử). Các nạn nhân nộp đơn kháng án. Phiên tòa giám đốc thẩm tuyên y án phúc thẩm.
***************
Muốn giảm nguy cơ sạt lở đất cần phải xây dựng bản đồ nguy cơ xảy ra lở đất và hệ thống cảnh báo sớm. Ấn Độ đã có kinh nghiệm về vấn đề này.
Kỳ tới: Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm
HOÀNG DUY LONG (TTO)