Thổ Nhĩ Kỳ đã đình chỉ hoạt động của hàng ngàn cảnh sát, bắt giữ hàng chục sĩ quan không quân và đóng cửa một đài truyền hình của nước này.
Hàng ngàn người đã phủ kín quảng trường Taksim ở Istanbul trong một cuộc biểu tình gần đây (Ảnh: Mirror) |
Trong một nỗ lực đẩy mạnh chiến dịch được xem là “thanh trừng chính trị”, sau vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7 vừa qua, nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ hôm 4-10 đã đình chỉ hoạt động của hàng ngàn cảnh sát, bắt giữ hàng chục sĩ quan không quân và đóng cửa một đài truyền hình của nước này.
Theo nguồn tin từ trụ sở cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ, hơn 12.000 cảnh sát, trong đó có hơn 2.500 cảnh sát trưởng, đã bị đình chỉ công tác do có liên quan đến giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, vốn bị cáo buộc là đứng đằng sau vụ đảo chính tại nước này.
Ngoài việc đình chỉ công tác của lực lượng cảnh sát, nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ cũng ra lệnh bắt giữ 33 sĩ quan không quân tại nhiều địa phương của nước này, cũng như đình chỉ hoạt động của kênh truyền hình IMC do cáo buộc tuyên truyền cho khủng bố.
Các quyết định trên diễn ra chỉ ít giờ sau khi Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus tuyên bố, nội các nước này đã thông qua quyết định kéo dài lệnh tình trạng khẩn cấp thêm 90 ngày.
Lệnh này, nếu được Quốc hội thông qua sẽ trao thêm quyền cho Tổng thống Tayyip Erdogan có thể đưa ra các quyết định mà không cần có sự giám sát của Tòa án Hiến pháp, cơ quan tư pháp có thẩm quyền pháp lý cao nhất.
Kể từ sau vụ đảo chính bất thành hôm 15-7 đến nay, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành thẩm vấn 70.000 người, sa thải hơn 81.000 nhân viên, trong đó có gần 100 nhân viên ngành ngoại giao. Hơn 32.000 người cũng đã bị bắt giam với cáo buộc quan hệ tới phong trào Hồi giáo của giáo sĩ Gulen.
Theo VOV