Kinh tế

Thời cơ “vàng” để đầu tư vào Myanmar

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 16-7, tại TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Myanmar (AVIM) phối hợp với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức hội thảo với chủ đề “Tiềm năng, cơ hội đầu tư vào Myanmar”. Hội thảo thu hút sự tham dự của hàng trăm nhà đầu tư và doanh nghiệp ở khu vực phía Nam.
 

 

Theo thông tin từ ban tổ chức hội thảo, từ năm 2012 đến nay Myanmar đã chuyển mình mạnh mẽ, môi trường kinh doanh được cải thiện dần. Ở năm tài khóa 2012-2013, GDP của Myanmar tăng trưởng 6,3%, lạm phát ở mức 1,95%, thu ngân sách đạt 15 tỷ USD, GDP đạt 59 tỷ USD… Trước năm 2009 Việt Nam không có dự án đầu tư nào triển khai ở Myanmar và chỉ có 2 doanh nghiệp (DN) Việt Nam có văn phòng đại diện tại Myanmar. Thế nhưng, từ năm 2009 đến hết tháng 6-2013 đã có 23 DN Việt Nam được cấp phép hoạt động tại Myanmar với 14 văn phòng đại diện, 3 chi nhánh công ty, 6 công ty liên doanh. Các DN Việt Nam đã có 5 dự án được cấp phép đầu tư với tổng giá trị hơn 600 triệu USD; chủ yếu là các lĩnh vực tài chính-ngân hàng, công nghiệp, viễn thông, xây dựng, bất động sản, du lịch… Ngoài ra, còn có 18 dự án đang trong quá trình nghiên cứu và hoàn thiện các thủ tục đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 600 triệu USD. Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Myanmar cũng tăng trưởng mạnh, kinh ngạch thương mại hai chiều năm 2011 đạt 167,2 triệu USD, tăng 10% so với năm 2010; năm 2012 đạt 228 triệu USD, tăng 36% so với năm 2011; sáu tháng đầu năm 2013 đạt khoảng 125,6 triệu USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ.

Theo Chủ tịch AVIM Trần Bắc Hà, Myanmar là thị trường có nhiều cơ hội, đầy tiềm năng đối với các DN Việt Nam. Trong đó, nông nghiệp và trồng cây công nghiệp, xây dựng và hàng tiêu dùng là những lĩnh vực mà Myanmar đang rất cần và DN Việt Nam có nhiều lợi thế để “bước vào”. Bên cạnh đó, phần lớn người dân Myanmar có nhiều thiện cảm với Việt Nam vì hai nước có nhiều điểm tương đồng về thể chế và văn hóa. Khi xâm nhập được thị trường Myanmar, ngoài việc có thêm thị trường, Việt Nam còn có thêm cơ hội thuận lợi để tiến vào các thị trường khác như Bangladesh, Nam Ấn Độ. Về phía Myanmar, nước này đã có nhiều đổi mới tích cực về chính sách phát triển kinh tế trong thời gian gần đây như thực hiện chính sách tỷ giá thả nổi có kiểm soát, cho phép mở ngân hàng liên doanh, triển khai thi hành Luật đầu tư mới, tăng thời hạn thuê đất từ 30 năm lên 50 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp lên 5 năm với các DN mới đầu tư vào Myanmar, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các DN FDI từ 30% xuống còn 25% vào năm 2012…

Việt Nam và Myanmar đã thống nhất đặt mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều năm 2013 đạt 300 triệu USD; vốn đầu tư của Việt Nam vào Myanmar đạt hơn 500 triệu USD. Ngoài ra, phấn đấu vào năm 2015 kim ngạch thương mại hai chiều đạt 500 triệu USD, vốn đầu tư của Việt Nam vào Myanmar đạt 1 tỷ USD…

Hoàng Liêm

Có thể bạn quan tâm