TN - Đất & Người

Thổi hồn vào đá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Cái duyên với nghệ thuật chơi đá quý đến với tôi thật tình cờ. Trong một chuyến chơi Tết vào năm 2009 tại đỉnh Hbông, huyện Chư Sê, tôi bắt gặp một tác phẩm được tạo ra từ đá Caxiđôn. Lúc đầu chỉ có ý định mua về tặng vợ, thế nhưng vẻ đẹp của đá đã mê hoặc tôi. Kể từ đó tôi đã gắn với nghệ thuật chơi đá”-anh Trần Công Dũng chia sẻ.

Căn nhà anh Dũng (tại số 82 Hai Bà Trưng, phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa) chỉ có bề ngang khoảng hơn 3 mét, thế nhưng bên trong được trưng bày rất nhiều tác phẩm từ đá, gỗ hóa thạch, gỗ lũa. Anh Dũng cho biết hiện anh đang sở hữu hơn 200 tác phẩm do chính tay mình tạo ra từ các loại đá như: mã não, caxiđôn, gỗ hóa thạch, gỗ lũa… Nét độc đáo của mỗi tác phẩm được tạo ra chính là sự đa dạng về hình khối, đường vân, màu sắc...

 

Anh Dũng với tác phẩm đầu tay từ đá ca xi đôn. Ảnh: H.S

Được trưng bày ngay chính diện nhà là một tác phẩm từ đá rất bắt mắt mà anh Dũng đã sưu tầm được: “Trong dịp đi chơi, có một người địa phương bán một cục đá được vớt lên từ sông Ba. Với người không mê nghệ thuật thì khó có thể bỏ ra 700 ngàn đồng để mua một cục đá to khoảng hơn gang tay. Thế nhưng vừa nhìn tôi đã bị thu hút bởi vẻ đẹp của viên đá vừa có hình thù giống như một con voi, cũng có thể liên tưởng tới một người đang điệu con trên lưng... Tôi quyết định mua ngay viên đá ấy”.

Đặc sắc hơn phải nói đến tác phẩm gỗ lũa, đây cũng là một tác phẩm nghệ thuật do chính thiên nhiên tạo ra. Tấm gỗ lũa cao tầm 1,5 mét có hình dáng giống như hình con rồng đang cuộn mình, mặt đối diện có đường nét như bản đồ Việt Nam. Ngoài ra màu sắc, các đường vân trên gỗ rất đẹp. Anh Dũng cho biết: “Đã nhiều người gạ hỏi mua với giá rất cao nhưng tôi vẫn không bán bởi đây là một tác phẩm tôi yêu thích”.

Với đá caxiđôn, đá mã não sau khi được đánh bóng, tạo dáng, đá có độ sáng bóng, màu sắc được phối trên đá rất phong phú với nhiều gam màu như trắng, nâu sẫm, đen bóng. Trong đá còn có sự pha trộn các hạt có ánh kim lấp lánh nhìn như một bầu trời sao được đính lên đá. Gỗ hóa thạch mang lại vẻ đẹp gai góc, thể hiện sự trường tồn theo thời gian, đặc biệt tại nhà anh Dũng có những tác phẩm gỗ hóa thạch nổi rõ đường vân gỗ, sớ gỗ đã hóa đá rất đặc sắc…

 

Ảnh: Hồng Sơn

Để có được một bộ sưu tập như hiện nay, anh Dũng đã tốn khá nhiều công sức, thời gian sưu tầm, tìm kiếm cùng với sự học hỏi không ngừng trong nghệ thuật chế tác đá. Anh tâm sự: “Trước đây tôi là công nhân Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai. Từ khi bắt gặp viên đá caxiđôn tại xã Hbông, tôi đã đắm say nghệ thuật chơi đá. Từ đó những hình ảnh, nét đẹp của đá cứ hiện hữu trong tâm trí. Tôi đã quyết định bỏ việc để phục vụ niềm đam mê với nghệ thuật”.

Anh Dũng cho biết thêm: “Qua tìm hiểu, tôi biết tại khu vực sinh sống là nguồn cung cấp các loại đá quý và gỗ hóa thạch, đặc biệt tại xã Chư A Thai là nguồn cung cấp đá và gỗ hóa thạch tốt nhất so với cả nước. Thế nhưng tại địa phương rất ít người biết chơi đá và chế tác đá. Hầu hết đá được bán thô đi các nơi khác. Vì vậy tôi nghĩ cần phải tìm kiếm, sưu tầm để giữ lại một nét đặc sắc cho địa phương mình”.

Không dễ để có được thành quả như hôm nay. Thời gian đầu anh Dũng đã mua hàng tấn đá, mỗi ngày bỏ ra nhiều giờ để chế tác, thế nhưng do không biết kỹ thuật đánh bóng, nghệ thuật tạo dáng cho đá, hầu hết số đá này đều thành “đá vụn”. Không chỉ thế, do chưa có kinh nghiệm nên anh còn mua phải đá kém chất lượng, vốn liếng bỏ ra không nhỏ bởi giá 1 kg đá thô vào khoảng 20 ngàn đồng. Không nản chí, cùng với sự động viên, ủng hộ của vợ, anh tự lên mạng internet học hỏi, kết hợp với những kinh nghiệm đúc rút từ bản thân sau thời gian đầu làm hỏng cả tấn đá, những tác phẩm đầu tay đã được ra đời.

Anh Dũng trải lòng: “Chơi đá cần có niềm đam mê! Để có một tác phẩm đá nghe chừng rất đơn giản bởi đá thô qua công đoạn rửa sạch, gọt bỏ tạp chất, tạo dáng cho đá sau đó đánh bóng là trở thành một tác phẩm nghệ thuật. Thế nhưng cái chính là phải có sự kiên trì, tỉ mẩn và niềm yêu thích thì mới có thể thổi hồn vào đá”.

Anh Dũng chia sẻ ý định của mình: “Thời gian tới tôi sẽ bán đi những tác phẩm nhỏ, không ưng ý để dồn vốn, công sức sưu tầm những tác phẩm lớn hơn, đặc sắc hơn, tôi sẽ chú trọng vào những tác phẩm do chính thiên nhiên tạo hình, tạo dáng”.

Hồng Sơn

Có thể bạn quan tâm