Sức khỏe

Thói quen tưởng vô hại mỗi tối có thể khiến bạn dễ ung thư, đau tim

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một nghiên cứu kéo dài 7 năm của Úc cho thấy cho dù bạn ngủ đầy đủ, sức khỏe vẫn có thể bị tổn hại nghiêm trọng bởi một sai lầm phổ biến trong cách ngủ, bao gồm việc tăng nguy cơ các nhóm bệnh ung thư, tim mạch.

Theo Live Science, nghiên cứu mới cho thấy không chỉ thiếu ngủ làm tăng nguy cơ tử vong sớm, ngủ đủ nhưng lịch trình không đều đặn vẫn có thể là một tử thần đáng sợ.

Phó giáo sư Matthew Pase từ Đại học Monash (Úc), đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết họ đã theo dõi các tình nguyện viên trong 7 năm để đánh giá nguy cơ tử vong do các nguyên nhân khác nhau ở những người không có thói quen ngủ và thức dậy với một giờ cố định.

Ngủ không đều đặn hàng đêm có thể thúc đẩy nhiều bệnh mạn tính nguy hiểm (Ảnh minh họa từ Internet)

90.000 tình nguyện viên từ 40 đến 70 tuổi đeo thiết bị theo dõi trên cổ tay của họ trong khoảng 1 tuần để đánh giá thói quen ngủ, sau đó được theo dõi sức khỏe chặt chẽ, bao gồm việc xác định nguyên nhân tử vong ở những người đã qua đời trong thời gian theo dõi.

Họ được chia thành 3 nhóm, nhóm thứ nhất được cho là có giấc ngủ không đều đặn vì số lần ngủ và thức cùng một giờ trong 2 ngày liên tiếp chỉ đạt 41%. Nhóm "trung bình" đạt tỉ lệ ngủ - thức đều đặn khoảng 61%.

Trong thời gian nghiên cứu, 3.010 người đã qua đời; trong đó nhóm lịch trình ngủ không đều tử vong nhiều hơn nhóm có lịch trình ngủ đều đặn trung bình tới 46%, khi xét đến tử vong sớm do mọi nguyên nhân.

Đặc biệt, nếu xét theo từng bệnh thì ngủ không đều đặn dẫn đến nguy cơ tử vong do ung thư cao hơn 77%, tử vong do bệnh tim mạch cao hơn 73%.

Nhóm thứ ba, với lịch trình ngủ đều đặn nhất cho thấy hiệu quả giảm nguy cơ tử vong tốt hơn nhóm trung bình một chút.

"Sự thay đổi thời gian ngủ và thức có thể làm gián đoạn các quá trình của cơ thể, chẳng hạn như sửa chữa các mô và quá trình trao đổi chất, có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính" - phó giáo sư Page giải thích, nhưng lưu ý rằng trong một số trường hợp bệnh tim và ung thư cũng tác động ngược khiến chất lượng chất ngủ kém đi, người bệnh ngủ không đều.

Tuy nhiên kết quả trên đủ cho thấy dù bận rộn, việc giữ lịch trình ngủ một cách đều đặn tương đối với 61% số đêm "đạt chuẩn" có thể đem lại lợi ích rất lớn, chưa kể các lợi ích dễ thấy ngay lập tức, bao gồm việc cảm thấy tỉnh táo hơn mỗi sáng, điều đã được nhiều nghiên cứu trước đây chứng minh.

Có thể bạn quan tâm