Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Thông Đà Lạt tiếp tục bị đốn hạ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Có nhiều vụ quy mô lớn, xảy ra ngay giữa nội ô Đà Lạt, với hàng trăm cây thông bị triệt hạ thẳng tay.

Rừng thông ba lá là đặc sản thiên nhiên gắn liền với thành phố Đà Lạt- địa danh du lịch-lịch sử nổi tiếng của tỉnh Lâm Đồng và của cả nước. Thế nhưng “đặc sản” này đang bị xâm hại nghiêm trọng, với hơn 250ha bị phá trong 5 năm qua, phần còn lại cũng bị lâm tặc tỉa thưa dần.

Đáng chú ý, khu vực nội ô thành phố, rừng đã suy giảm hơn 1/3 diện tích. Các phương tiện thông tin đại chúng liên tục phản ánh tình trạng này trong suốt những năm qua, nhưng những cánh rừng thông thơ mộng của Đà Lạt vẫn tiếp tục bị chặt hạ không thương tiếc.

 

 

Từ đầu năm đến nay, vẫn có thêm 87 vụ xâm hại rừng, với hơn 5ha rừng thông bị phá. Trong đó, có nhiều vụ quy mô lớn, xảy ra ngay giữa nội ô Đà Lạt, với hàng trăm cây thông bị triệt hạ thẳng tay.

Nhưng lạ một điều là chưa có vụ nào bị xử lý nghiêm túc. Một số vụ đã truy tố hình sự hẳn hoi, nhưng sau đó lại rơi vào im lặng một cách khó hiểu. Không chỉ người dân xót xa, mất lòng tin, mà nhiều cán bộ ở cơ sở cũng bức xúc.

Một cán bộ cấp xã đề nghị không nêu tên, bày tỏ: “Tất cả các vụ việc chúng tôi đã chuyển cho ngành cấp trên trong thời gian qua thì dường như dẫm chân tại chỗ, tất cả đều bị chìm xuồng. Mong rằng các ngành chức năng phải xử lý nghiêm, từ đó mới giảm được tình trạng phá rừng”.

Trong số các vụ phá rừng đã xảy ra, vụ chặt hạ hàng trăm cây thông giống tại tiểu khu 153, khu vực thác Hang Cọp, xã Xuân Thọ, thành phố Đà Lạt, được mọi người lưu tâm đặc biệt. Bởi Thành uỷ Đà Lạt đã chỉ đạo cơ quan Công an khởi tố vụ án, với lời khẳng định là sẽ xử lý một cách nghiêm túc để làm gương răn đe. Tuy nhiên, sự vụ lại rơi vào quên lãng.

Ông Đoàn Văn Việt, Bí thư Thành ủy Đà Lạt thừa nhận: “Tôi thấy quản lý rừng, đất rừng có vấn đề. Đó là vi phạm lâm luật nhiều hơn, có giải quyết nhưng chậm, từ đó làm cho vấn đề quản lý, bảo vệ rừng cực kỳ khó”.

Có lẽ cái cực kỳ khó như ông Đoàn Văn Việt đề cập có nguyên nhân từ vấn đề trách nhiệm. Rừng bị phá hầu hết đều thuộc diện tích đã được giao cho các doanh nghiệp để thực hiện các dự án. Cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng cho rằng, các chủ dự án bỏ bê việc quản lý, bảo vệ là nguyên nhân chính khiến rừng bị phá.

Theo ông Nguyễn Khang Thiên, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng, muốn ngăn chặn tình trạng mất rừng vì dự án, thì cần phải xử lý trách nhiệm đối với các doanh nghiệp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Thông Đà Lạt bị tàn phá không chỉ trong một ngày, một giờ mà liên tục xảy ra trong suốt một thời gian khá dài. Vậy tại sao tình trạng này vẫn không được chấn chỉnh? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Xuân Tiến, chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nói rằng: “Nguyên nhân là do sự phối kết hợp giữa các ngành, các cấp chưa thật chặt. Tôi cho đó là cái lớn nhất. Phải thừa nhận là việc quản lý bảo vệ rừng ở một số địa bàn còn phức tạp”.

Xác định được lỗ hổng trong khâu quản lý, nhưng muốn bảo vệ rừng đòi hỏi chính quyền địa phương, thành phố Đà Lạt phải triển khai nhiều biện pháp mạnh. Vẫn biết cái khó của tỉnh Lâm Đồng là muốn thu hút đầu tư để phát triển hơn nữa ngành du lịch của địa phương. Nhưng nếu chiều lòng nhà đầu tư để rừng thông bị phá, thì du lịch của Lâm Đồng sẽ khó có thể phát triển bền vững. Bởi chính thông đã làm nên thương hiệu cho Đà Lạt. Và nếu không cứu lấy những cánh rừng thông còn sót lại, chắc chắn hình ảnh Đà Lạt thơ mộng sẽ mất trong tương lai không xa.

 

Theo VOV

Có thể bạn quan tâm