Chính trị

Tin tức

Văn bản

Thống nhất danh hiệu của "Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 25-11-2005, “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” được UNESCO công nhận là Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại. Tuy nhiên, hiện nay danh hiệu đó không còn được sử dụng, nguyên nhân do:
 

  Chứng nhận sáp nhập Không gian văn hóa cồng chiêng vào danh sách
Chứng nhận sáp nhập Không gian văn hóa cồng chiêng vào danh sách "Di sản văn hóa Đại diện của Nhân loại"

Theo Điều 31.1 của Công ước này:  "Ủy ban sẽ đưa vào Danh sách các Di sản văn hóa phi vật thể Đại diện của Nhân loại những di sản được công bố là "Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của Nhân loại" khi Công ước này có hiệu lực".

Về hiệu lực của Công ước, Điều 34 ghi: "Công ước này sẽ có hiệu lực từ 3 tháng sau khi có được 30 nước nộp văn kiện phê chuẩn, chấp nhận, thông qua hoặc tham gia, nhưng chỉ đối với các quốc gia nộp văn kiện của nước mình trước hoặc đúng thời gian trên. Công ước sẽ có hiệu lực đối với bất kỳ Quốc gia thành viên nào khác sau ba tháng quốc gia đó nộp văn kiện phê chuẩn, chấp nhận, thông qua hoặc tham gia của nước mình".

Như vậy, theo Công ước, việc sáp nhập danh sách Kiệt tác di sản truyền khẩu phi vật thể vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện được áp dụng đối với tất cả các Quốc gia thành viên có một hoặc nhiều di sản nằm trên lãnh thổ của mình đã được công nhận Kiệt tác, dù là Quốc gia thành viên của Công ước hay không. Các Quốc gia không phải thành viên Công ước, nhưng có Kiệt tác được sáp nhập vào Danh sách, sẽ được hưởng tất cả các quyền và nghĩa vụ trong khuôn khổ của Công ước, chỉ áp dụng đối với các di sản hiện có trên lãnh thổ của các quốc gia này, với điều kiện phải có văn bản đồng thuận.

Tất cả các Quốc gia không phải thành viên Công ước hiện có các Kiệt tác trên lãnh thổ sẽ được Tổng Giám đốc UNESCO thông báo về việc thông qua các Hướng dẫn hoạt động này với yêu cầu những di sản này sẽ được đặt ngang hàng với những di sản sẽ được đăng ký trong tương lai và chịu sự ảnh hưởng của cùng một cơ chế pháp lý đối với việc giám sát, dịch chuyển từ Danh sách này sang Danh sách kia, hoặc rút khỏi Danh sách, căn cứ theo các thủ tục quy định trong các Hướng dẫn hoạt động này.

Từ ngày 26-4-2006, Công ước UNESCO năm 2003 đã có hiệu lực khi quốc gia thứ 30 ký gia nhập. Theo đó, Danh sách Kiệt tác chấm dứt, các Kiệt tác được chuyển sang Danh sách Đại diện theo quy định tại Điều 31.1. khi Đại hội đồng thông qua Hướng dẫn hoạt động Công ước của Ủy ban Liên chính phủ vào năm 2008. Như vậy là từ thời điểm đó, danh hiệu chính thức của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nay, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác triển khai nhiệm vụ chuyên môn, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đề nghị các đơn vị thống nhất về danh hiệu Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” thay cho danh hiệu “Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại” được ghi trong hồ sơ của UNESCO trước đây.

Có thể bạn quan tâm