Thời sự - Sự kiện

Ngày làm việc cuối kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII:

Thông qua 40 nghị quyết quan trọng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 11-12, kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) bước vào ngày làm việc cuối cùng với phần chất vấn và trả lời chất vấn; đồng thời, các đại biểu đã biểu quyết thông qua 40 nghị quyết quan trọng.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên phát biểu bế mạc kỳ họp. Ảnh: Đ.T

Chất vấn liên quan lĩnh vực thu hút đầu tư

Phiên chất vấn diễn ra khá sôi nổi và mang tính xây dựng cao. Các đại biểu đã tập trung chất vấn về những vấn đề cấp thiết được nhiều cử tri và đại biểu quan tâm.

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Đình Phương-Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh đã đặt câu hỏi chất vấn liên quan đến lĩnh vực thu hút đầu tư đối với Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Rah Lan Chung. Theo đại biểu Phương: “Năm 2024 có 17 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư (giảm 22 dự án, giảm 56,4% so với năm 2023). Những khó khăn, vướng mắc nào mà số dự án đầu tư giảm nhiều và trong số 17 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư có bao nhiêu dự án đã được đầu tư, triển khai thi công?”.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Rah Lan Chung trả lời chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: Đ.T

Bên cạnh đó, đại biểu Phương cũng đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh đưa ra giải pháp cụ thể để giải quyết những vướng mắc nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các nhà đầu tư. “Tại Báo cáo số 93/BC-HĐND ngày 13-6-2023 “Kết quả giám sát về tình hình thực hiện và triển khai các dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2018-2022” có đánh giá:

“Một số dự án sau khi đã phê duyệt chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư thì việc tổ chức triển khai không đảm bảo tiến độ, hoạt động cầm chừng hoặc có triển khai nhưng chưa đúng mục tiêu ban đầu của dự án. Thậm chí có những dự án đã tổ chức triển khai thi công xong nhưng vướng quy hoạch nên chưa đi vào hoạt động…”-đại biểu Phương nêu rõ.

Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Đình Phương chất vấn nội dung liên quan đến lĩnh vực thu hút đầu tư. Ảnh: Đ.T

Trả lời vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Rah Lan Chung cho biết: Số lượng dự án đầu tư trong năm 2024 giảm nhiều so với năm 2023 là bởi, trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, đặt ra những vấn đề rất khó khăn đối với các doanh nghiệp trong hoạt động.

Trong khi đó, việc thực hiện một số dự án trên lĩnh vực chăn nuôi gặp một số khó khăn về thủ tục đánh giá tác động môi trường, nhất là các nội dung về sử dụng đất nông nghiệp, đất chăn nuôi theo Luật đất đai 2024, dẫn tới việc kéo dài. Cùng với đó, nhiều cụm công nghiệp (hiện còn 14/31 cụm công nghiệp) trên địa bàn vướng quy định về môi trường, chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, do đó chưa đủ điều kiện để tiếp nhận các dự án có xả nước thải sản xuất, nước thải sinh hoạt (chủ yếu các dự án công nghiệp chế biến).

Đặc biệt, tinh thần, ý thức trong thực thi công vụ của một số ngành, một số cán bộ có sự giảm sút, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, ngại va chạm… làm ảnh hưởng đến việc kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Trên cơ sở phân tích các nguyên nhân, Chủ tịch UBND tỉnh Rah Lan Chung đã đề ra các giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh kêu gọi, xúc tiến và triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

“Chúng tôi tiếp tục rà soát, đánh giá toàn bộ các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh phù hợp với quy hoạch; đồng thời, khơi thông các nguồn lực, nhất là đối với 77 dự án đang nghiên cứu, khảo sát trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, UBND tỉnh sẽ chấn chỉnh nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức ở các sở, ngành và kiên quyết xử lý cán bộ có biểu hiện né tránh, đùn đẩy trách nhiệm và có những biểu hiện gây phiền hà.

Cùng với đó, tiếp tục gặp gỡ, đối thoại, trò chuyện với các doanh nghiệp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho từng dự án, nhất là trên lĩnh vực năng lượng tái tạo. Đồng thời, quan tâm tháo gỡ những khó khăn ở các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh sẽ quyết tâm, quyết liệt triển khai với quan điểm “chỉ bàn làm, không bàn lùi” để tháo gỡ những điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh”-Chủ tịch UBND tỉnh cho hay.

Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Trần Ngọc Nhung trả lời chất vấn các đại biểu. Ảnh: Đ.T

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các đại biểu HĐND tỉnh cũng đã có những ý kiến chất vấn đối với Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Trần Ngọc Nhung. Trong đó, liên quan đến vai trò cơ quan quản lý nhà nước về việc tham mưu giúp UBND tỉnh xây dựng chính sách thu hút, đãi ngộ vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao giai đoạn 2021-2025.

Đại biểu Rah Lan Song Linh-Phó Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh-đặt vấn đề: “Để thể thao thành tích cao Gia Lai phát triển, với vai trò người đứng đầu ngành, ông đã tham mưu như thế nào để xây dựng chính sách thu hút, đãi ngộ vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao giai đoạn 2021-2025”.

Đại biểu Rah Lan Song Linh-Phó Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh chất vấn về lĩnh vực thu hút, đãi ngộ vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao của tỉnh. Ảnh: Đ.T

Trả lời chất vấn, ông Trần Ngọc Nhung-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-cho biết: Thời gian qua, chúng tôi đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều chính sách để thu hút, đãi ngộ vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao trên địa bàn tỉnh; đồng thời, cũng có những hướng dẫn cụ thể cho các địa phương trong việc chi trả các chế độ cho các vận động viên, huấn luyện viên. Và hiện nay, chúng tôi đang quyết liệt với quyết tâm cao nhất để đưa thể thao thành tích cao của tỉnh Gia Lai phát triển và đạt được thêm nhiều thành tích hơn nữa.

Cùng chất vấn Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, đại biểu Đỗ Thị Hương Lan-Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh-nêu câu hỏi: Hoạt động vui chơi giải trí của trẻ em, nhất là đối với hoạt động bơi lội hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu. Vì hiện nay chủ yếu là bể bơi tư nhân, trẻ em vùng sâu vùng xa tiếp cận khó khăn. Vậy trách nhiệm của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đối với việc xây dựng thiết chế văn hoá gắn với nội dung này như thế nào?

Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Trần Ngọc Nhung-cho rằng: Hiện nay toàn tỉnh có 41 điểm vui chơi giải trí, trong đó, có các điểm vui chơi dành cho trẻ em. Khẳng định, vai trò của các bể bơi đối với việc phòng-chống đuối nước rất quan trọng nhưng rất thiếu, hiện toàn tỉnh chỉ có khoảng 90 bể bơi, gồm: trong các trường học và bể bơi tư nhân. Do đó, Sở cùng với các địa phương đề xuất cấp có thẩm quyền tiếp tục quan tâm đầu tư thêm các bể bơi công cộng, để thực hiện tốt công tác phòng-chống đuối nước ở trẻ em.

Đại biểu Đỗ Thị Hương Lan-Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh chất vấn về giải pháp phát đầu tư hồ bơi cho trẻ em vùng khó. Ảnh: Đ.T

Phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đồng chí Hồ Văn Niên, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao các nội dung chất vấn của các đại biểu và nội dung trả lời của Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai và Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch.

Theo Chủ tịch HĐND tỉnh, các nội dung chất vấn của đại biểu đã thể hiện sự quan tâm của đại biểu đối với những vấn đề hết sức cần thiết đối với sự phát triển của tỉnh và thực tế phát sinh từ cơ sở. Đồng thời, đề nghị, UBND tỉnh, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cần tiếp tục phát huy vai trò trách nhiệm của mình trong thời gian đến để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả hơn các vấn đề đã được nêu trong phiên chất vấn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà.

Tập trung triển khai hiệu quả các nghị quyết

Tại phiên làm việc cuối cùng, các đại biểu HĐND tỉnh đã tập trung thảo luận và biểu quyết thông qua 40 nghị quyết quan trọng trên các lĩnh vực, làm cơ sở cho UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương liên quan tổ chức thực hiện. Đây cũng chính là hành lang pháp lý để việc thực hiện các cơ chế, chính sách đảm bảo theo quy định của pháp luật, phù hợp tình hình thực tiễn của địa phương; góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh của tỉnh.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên khẳng định: HĐND tỉnh đã phân tích, đánh giá toàn diện kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.

Qua đó, ghi nhận những nỗ lực, cố gắng, quyết tâm của UBND tỉnh, các ngành, các cấp về chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết của Tỉnh ủy và Nghị quyết của HĐND tỉnh trong bối cảnh đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chung.

Đồng thời, thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trên một số lĩnh vực như kỳ họp đã thảo luận; có nhiều nguyên nhân dẫn đến các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong năm 2024 không đạt, trong đó lớn nhất là trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, đôn đốc; vai trò, trách nhiệm tham mưu của các sở, ngành và địa phương trong việc phối hợp thực hiện các nhiệm vụ, có lúc có nơi còn chưa chặt chẽ, thiếu quyết tâm, quyết liệt.

“Các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu cần có giải pháp quyết liệt, đảm bảo thực chất, cụ thể, hiệu quả hơn nữa; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tập trung tháo gỡ triệt để các điểm nghẽn, khắc phục sự chậm trễ, chồng chéo, vướng mắc nhằm tạo ra đột phá vượt bậc trong lãnh đạo quản lý điều hành, hoàn thành tốt nhất các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2025 và các chỉ tiêu kế hoạch 5 năm (giai đoạn 2021-2025) mà Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra”-Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên đề nghị.

Các đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua 40 nghị quyết quan trọng. Ảnh: Đ.T

Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên đánh giá cao sự tích cực, đổi mới, hiệu quả trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan HĐND tỉnh; tổ chức nhiều hoạt động giám sát, đối thoại, tiếp xúc cử tri ngoài địa bàn ứng cử, tổ chức phiên giải trình, chất vấn tập trung vào các nội dung cử tri quan tâm, có trọng tâm, trọng điểm và đạt nhiều kết quả tích cực, kịp thời; đã đồng hành cùng UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ chung về phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết các vấn đề mà cử tri và Nhân dân quan tâm.

Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 đã đề ra một số chỉ tiêu chủ yếu như: Tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) 6,67%; GRDP bình quân đầu người 75,69 triệu đồng; có thêm 9 xã và 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; kim ngạch xuất khẩu đạt 850 triệu USD, tăng 6,25% so với năm 2024; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 6.435 tỷ đồng, tăng 9,25%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 29.200 tỷ đồng, tăng 5,23%; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) còn 4,04%; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo 2,02%...

Sau 2,5 ngày làm việc với tinh thần dân chủ, trách nhiệm, kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh khóa XII đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra. Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị, sau kỳ họp này, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh kịp thời hoàn chỉnh các nghị quyết và thông báo kết quả kỳ họp để phổ biến nội dung các nghị quyết vừa được HĐND tỉnh thông qua đến cử tri và Nhân dân trong tỉnh.

Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh, các tổ đại biểu HĐND tỉnh, các vị đại biểu HĐND tỉnh tăng cường hoạt động giám sát, đảm bảo thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả các nghị quyết của HĐND tỉnh.

Có thể bạn quan tâm