(GLO)- Kêu gọi thu hút các dự án vào đầu tư trên địa bàn tỉnh là một chủ trương lớn được Gia Lai hết sức quan tâm từ nhiều năm qua. Tuy nhiên với một dự án đề cập dưới đây còn nhiều điều đáng bàn về trách nhiệm của các ngành khi thực hiện không đúng luật và nguy cơ thiệt hại cho chính địa phương và cả người tiêu dùng.
Quy trình đầu tư… ngược!
Theo quy định tại Điều 38 Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11-7-2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch thì khi các tỉnh đầu tư một dự án công trình nước có quy mô công suất từ 30.000 m3/ngày đối với đô thị loại đặc biệt và 10.000 m3/ngày trở lên đối với đô thị còn lại phải có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của Bộ Xây dựng trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Song, ngày 13-1-2014, đại diện UBND tỉnh do ông Phùng Ngọc Mỹ lúc bấy giờ là Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ký biên bản thỏa thuận cho Công ty cổ phần Cấp nước Sài Gòn-Pleiku (330 Cách Mạng Tháng Tám, TP. Pleiku) đầu tư một nhà máy nước với công suất 30.000 m3/ngày để đấu nối và bán sỉ nước sạch cho Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Gia Lai (Công ty Cấp nước Gia Lai).
Nhà máy nước Biển Hồ nguồn vốn ADB đang hoạt động. Ảnh: V.N |
Đồng thời, trong biên bản thỏa thuận này có sự ràng buộc Công ty Cấp nước Gia Lai phải bao tiêu mua sỉ nước sạch theo lộ trình: năm 2015 là 10.000 m3, 2016 là 12.000 m3, 2017 là 16.000 m3, 2018 là 20.000 m3, 2019 là 25.000 m3 và năm 2020 là 30.000 m3. Từ biên bản thỏa thuận, ngày 25-2-2014, Công ty cấp nước Gia Lai ký hợp đồng mua của Công ty cổ phần Cấp nước Sài Gòn-Pleiku với giá sỉ nước sạch từ năm đầu tiên (năm 2015) là 4.634 đồng/m3 (chưa tính thuế VAT 5%).
Giá thành khâu phân phối (đã bao gồm thuế tài nguyên, phí dịch vụ môi trường rừng và khấu hao cơ bản của tài sản cố định dự án đầu tư từ nguồn vốn ADB bàn giao) là 4.152,44 đồng/m3 và giá bán lẻ bình quân đến người tiêu dùng là 6.232 đồng/m3 (hộ gia đình 5.500 đồng/m3; hộ đồng bào dân tộc thiểu số 4.500 đồng/m3; cơ quan, đơn vị sự nghiệp 8.000 đồng/m3 và hộ sản xuất kinh doanh 9.000 đồng/m3). |
Trong khi đó, hiện tại trên địa bàn TP. Pleiku có Nhà máy nước Biển Hồ được Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư xây dựng từ năm 1995 bằng nguồn vốn ADB với tổng mức đầu tư 7,101 triệu USD. Sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác nhiều năm, đến ngày 20-4-2015, Ban Quản lý dự án ADB mới bàn giao Nhà máy nước Biển Hồ cho Công ty Cấp nước Gia Lai. Theo quyết toán xác định vốn đầu tư cho toàn bộ dự án Nhà máy và 41 km đường ống các loại là trên 81 tỷ đồng. Nhà máy này hiện có công suất 20.000 m3/ngày, đến năm 2020 nâng cấp bơm đạt mức 26.000 m3/ngày, trong khi đó theo nhu cầu sử dụng công suất hiện tại chỉ bơm 14.500 m3/ngày.
Như vậy, theo ý kiến của một lãnh đạo Sở Tài chính cho biết, nếu khi tiếp nhận nước của Công ty cổ phần Cấp nước Sài Gòn-Pleiku thì sẽ tăng nguồn cung cấp không cân đối với khả năng tiêu thụ (thừa nguồn) và sẽ tăng giá thương phẩm bán cho người tiêu dùng (chúng tôi sẽ phân tích ở phần sau). Hơn nữa, hiện nay chưa có phương án liên kết giữa 2 công ty để mở rộng mạng lưới bán lẻ nước sạch so với nhu cầu tiêu dùng nhưng nếu Công ty Cấp nước Gia Lai không mua đủ lượng nước theo lộ trình hợp đồng đã ký thì sẽ phạt.
Giá thành nước sạch sẽ tăng cao
Ảnh: V.N |
Hiện giá thành sản xuất nước sạch tương ứng giá bán sỉ chưa tính thuế do Công ty Cấp nước Gia Lai sản xuất là 1.828,21 đồng/m3. Giá thành khâu phân phối (đã bao gồm thuế tài nguyên, phí dịch vụ môi trường rừng và khấu hao cơ bản của tài sản cố định dự án đầu tư từ nguồn vốn ADB bàn giao) là 4.152,44 đồng/m3 và giá bán lẻ bình quân đến người tiêu dùng là 6.232 đồng/m3 (hộ gia đình 5.500 đồng/m3; hộ đồng bào dân tộc thiểu số 4.500 đồng/m3; cơ quan, đơn vị sự nghiệp 8.000 đồng/m3 và hộ sản xuất kinh doanh 9.000 đồng/m3).
Trong khi đó Công ty cổ phần Cấp nước Sài Gòn-Pleiku bán sỉ cho Công ty Cấp nước Gia Lai qua điểm đấu nối với giá 4.634 đồng/m3. Theo bà Nguyễn Thị Phương-Phó Trưởng phòng Tài chính-Doanh nghiệp (Sở Tài chính) thì ban đầu nhà đầu tư là Công ty cổ phần Cấp nước Sài Gòn-Pleiku lập dự án đưa ra phương án thương thảo chỉ có 2.900 đồng/m3. Nhưng với giá bán sỉ 4.634 đồng/m3 sẽ “độn” giá bán lẻ bình quân đến người tiêu dùng lên 9.119,19 đồng/m3.
Với giá bán sỉ 4.634 đồng/m3 nhưng Công ty Cấp nước Gia Lai vẫn giữ nguyên giá bán lẻ như hiện tại thì chênh lệch giá một mét khối chỉ được 1.598 đồng (6.232 đồng/m3-4.634 đồng/m3). Theo báo cáo của Công ty Cấp nước Gia Lai, chỉ trong vòng 1 tháng (từ ngày 6-6 đến 6-7-2015) đấu nối tại một điểm của Công ty cổ phần Cấp nước Sài Gòn-Pleiku, Công ty Cấp nước Gia Lai đã lỗ trên 369 triệu đồng (chưa kể 25 điểm bể vỡ ống được phát hiện); dự kiến đến hết năm 2015, lỗ trên 2,5 tỷ đồng!
Làm việc với chúng tôi vì sao có giá bán sỉ nước sạch 4.634 đồng/m3 thì lãnh đạo Công ty Cấp nước Gia Lai… ngại không trả lời. Trong khi đó, theo lãnh đạo Sở Tài chính thì dự án này do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép đầu tư và nguồn vốn không thuộc tài sản Nhà nước nên không thuộc thẩm quyền thẩm định giá của Sở Tài chính. Hơn nữa, từ Thông báo số 29/TB-UBND ngày 23-4-2015 của UBND tỉnh, Công ty cổ phần Cấp nước Sài Gòn-Pleiku không chấp nhận thay đổi giá bán sỉ. Ngược lại, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Gia Lai Hồ Phước Thành đổ lỗi giá bán sỉ 4.634 đồng/m3 là do... Công ty Cấp nước Gia Lai.
Chưa dừng lại ở đó, theo bà Nguyễn Thị Phương, một vấn đề pháp lý nữa đang đặt ra là dự án 30.000 m3/ngày thuộc dự án nhóm B, không phải nguồn vốn Nhà nước nhưng là dự án dân sinh nên phải kiểm toán tổng mức đầu tư. Khi lập phương án đầu tư, Công ty cổ phần cấp nước Sài Gòn-Pleiku lập giá 231,530 tỷ đồng. Sau nhiều lần yêu cầu, công ty này cung cấp hồ sơ và Sở Tài chính kiểm tra sơ bộ mức đầu tư chỉ là 156,248 tỷ đồng. Ngày 10-4-2015, Sở Tài chính yêu cầu công ty này cung cấp hồ sơ công trình mở rộng hệ thống cấp nước TP. Pleiku công suất 30.000 m3 nhưng đến nay đơn vị vẫn chưa cung cấp. Ngày 8-7-2015, Sở Tài chính tiếp tục có công văn yêu cầu công ty này báo cáo kết quả kiểm toán độc lập dự án hoàn thành nhưng đến nay cũng chưa có kết quả.
Lê Văn Nhung