Kinh tế

Thu ngân sách khó đạt kế hoạch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Kết quả thu ngân sách từ dầu năm đến nay đã phản ánh một thực tế không mấy khả quan: Các địa phương luôn luôn dẫn đầu tốp thu ngân sách đạt và vượt cao nhiều năm qua như: TP. Pleiku, thị xã An Khê, huyện Chư Sê, Chư Prông, Đak Đoa, Ia Grai, Chư Pưh... lại đang nằm trong nhóm thu không đạt tiến độ. Với tình hình này, nhiều khả năng số thu ngân sách năm nay của tỉnh không đạt dự toán 3.600 tỷ đồng.

Tính đến ngày 8-8, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 2.058 tỷ đồng, bằng 61% dự toán (DT) Bộ Tài chính giao và bằng 57% DT HĐND tỉnh giao, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các khoản thu cân đối ngân sách là 1.870 tỷ đồng, đạt 55,3% DT HĐND tỉnh giao và giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước.

 

Ảnh: Đức Thụy

Đã có 9/17 địa phương đạt tiến độ thu 59,41%-83,78%, còn lại 8 địa phương không đạt tiến độ thu trên 60%, bao gồm: Ia Grai (57,46%), TP. Pleiku (53,67%), thị xã An Khê (55%), Chư Pưh (50,45%), Chư Pah (49,05%), Chư Prông (41,24%), Đak Đoa (40,93%), Chư Sê (33,71%). Hầu hết các địa phương này được giao dự toán khá cao và cũng là những đơn vị luôn có số thu đạt và vượt trong nhiều năm qua của tỉnh.

Là đơn vị chiếm tới 2/3 số thu ngân sách toàn tỉnh nhưng hết tháng 7-2013, TP. Pleiku mới thực hiện được 328,7 tỷ đồng/612,5 tỷ đồng DT tỉnh giao, đạt 53,67% kế hoạch. Theo đánh giá của Chủ tịch UBND TP. Pleiku Nguyễn Đình Tiến, các khoản thu như: thuế công thương nghiệp, tiền sử dụng đất, phí, lệ phí trước bạ... đều đạt tỷ lệ thấp so với mọi năm.

Nguyên nhân dẫn đến kết quả này là do hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn, chỉ hơn 300/1.000 DN có số thuế phát sinh trong tháng. Với khoản nợ thuế 280 tỷ đồng, trong đó 150 tỷ đồng là nợ thông thường, 130 tỷ đồng nợ khó đòi đã ảnh hưởng đến kết quả thu chung. Trong tháng 7, mức thu của Pleiku thực hiện là 42 tỷ đồng, không đạt chỉ tiêu phấn đấu 58 tỷ đồng/tháng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc gia tăng áp lực thu bình quân các tháng cuối năm lên tới 60 tỷ đồng/tháng để đạt dự toán năm.

 

- Theo báo cáo của Cục Thuế tỉnh, số nợ thuế chưa quyết toán đến hết quý II-2013 chiếm khoảng 650,3 tỷ đồng, tăng 27,9 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2012. Trong đó, nợ khó thu là 174,2 tỷ đồng, nợ chờ xử lý 46,8 tỷ đồng, nợ chờ điều chỉnh 0,9 tỷ đồng, nợ thông thường 428,4 tỷ đồng.

- Công văn số 2569/UBND-KTTH ngày 6-8-2013 của UBND tỉnh chỉ đạo: Cục Thuế khẩn trương thực hiện việc rà soát, phân loại các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt không có khả năng thu hồi; tổng hợp đầy đủ hồ sơ có liên quan theo quy định để báo cáo Sở Tài chính trình UBND tỉnh tổng hợp trình Chính phủ xem xét xóa nợ. Kiên quyết xử lý đối với các trường hợp nợ thuế có số tiền nợ lớn, nợ trên 90 ngày, nợ dây dưa…

D.L

Cũng giống như TP. Pleiku, các địa phương như: Chư Sê, Chư Prông, Đak Đoa, Chư Pưh mặc dù đã đề ra quyết tâm phấn đấu thu đạt 100% kế hoạch nhưng để chuyển biến được tình hình thu ngân sách trong bối cảnh hiện nay quả là nan giản. Là những địa bàn trọng điểm về chuyên canh cây công nghiệp có giá trị thương phẩm cao như cao su, cà phê, hồ tiêu... nên cả 4 huyện trên bị hụt thu, thất thu đáng kể khi giá nông sản liên tục xuống thấp, nhiều doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động thu mua nông sản, không xuất hóa đơn khi giao dịch, tìm cách gian lận thương mại để trốn thuế; nợ đọng thuế kéo dài đã ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu ngân sách địa phương.

Trong bối cảnh khó khăn trên, các địa phương tập trung tổ chức đấu giá thu tiền sử dụng đất để bù đắp các khoản hụt thu, triển khai quyết liệt các giải pháp chống thất thu song song với việc nuôi dưỡng nguồn thu... Tuy nhiên, những hạn chế về nguồn nhân lực, tổ chức bộ máy đôn đốc thu ngân sách, chế tài áp dụng xử lý nợ đọng thuế, trốn thuế... đã ảnh hưởng đến tiến độ thu chung.   

Ở thời điểm cuối quý II-2013, ngành Tài chính dự ước số thu bình quân 283,1 tỷ đồng/tháng thì mới đạt kế hoạch thu 1.800 tỷ đồng/6 tháng cuối năm. Tuy nhiên, trên cơ sở kết quả thu 7 tháng qua và việc triển khai các chính sách thuế mới từ ngày 1-7 trở đi (gia hạn và thay đổi kỳ kê khai nộp thuế, thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Thuế GTGT sẽ làm hụt thu nguồn ngân sách khoảng 191 tỷ đồng so với dự toán Bộ Tài chính giao) thì trong 5 tháng tiếp theo số thu phải thực hiện là 1.571 tỷ đồng, bình quân mỗi tháng phải thu 314,2 tỷ đồng mới đạt chỉ tiêu 3.600 tỷ đồng. Đây thực sự là con số thách thức và áp lực đối với tỉnh nói chung cũng như những địa phương chưa đạt tiến độ thu như kỳ vọng.

Để giải quyết thấu đáo vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phùng Ngọc Mỹ đã yêu cầu các địa phương cần có những giải pháp cụ thể, khả thi nhằm đảm bảo thu đạt chỉ tiêu của HĐND tỉnh giao. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện Chỉ thị 04, 09 của UBND tỉnh, duy trì hoạt động của Ban đôn đốc thu ngân sách; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các DN, hộ sản xuất kinh doanh nghiêm túc chấp hành pháp luật về thuế; tăng cường lực lượng thực hiện thu tận gốc, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế đến hạn và chống thất thu, nợ đọng thuế.

Để hạn chế tình trạng thất thu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư và các ngành liên quan cần tăng cường kiểm tra, rà soát thực tế về năng lực tài chính, quy mô hoạt động từ khâu cấp phép thành lập doanh nghiệp, có kế hoạch hậu kiểm doanh nghiệp nhằm hạn chế tình trạng mua bán hóa đơn lòng vòng, DN trốn thuế, nợ đọng thuế kéo dài gây thất thu cho ngân sách nhà nước...

Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm