Kinh tế

Tài chính

Thu phí bảo trì đường bộ: Phải phù hợp với từng vùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đóng phí bảo trì đường bộ là quy định bắt buộc mà các tổ chức, cá nhân là công dân Việt Nam đều phải thực hiện. Tuy nhiên, mức thu phí, tỷ lệ (%) trích để lại cho đơn vị thu phí, việc quản lý và sử dụng tiền phí thu được như thế nào cho hợp lý, phù hợp với từng địa phương hiện đang là vấn đề được các cấp chính quyền, người dân quan tâm.

Tại Gia Lai, để chính thức triển khai thu phí bảo trì đường bộ đối với xe mô tô, xe gắn máy (gọi tắt là xe máy) thì phải đợi thông qua kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X-kỳ họp thứ 5 vào tháng 7-2013. Và theo phương án đề xuất của Sở Tài chính cùng các đơn vị liên quan thì mức thu phí đối với mô tô có dung tích xy lanh đến 100 cm3 là 50.000 đồng/năm, mô tô có dung tích xy lanh trên 100 cm3 là 100.000 đồng/năm, xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ một xi lanh là 2.160.000 đồng/năm (Một số phương tiện được miễn thu phí là xe mô tô của lực lượng công an, quốc phòng, xe máy của các hộ nghèo).

 

Ảnh: Lê Lan

Việc tổ chức thu, nộp phí được giao cho Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn trực tiếp thực hiện, tỷ lệ phần trăm tiền phí thu được để lại cho các phường, thị trấn là 10% và 20% cho các xã. Đồng thời, các đơn vị trên có trách nhiệm quản lý, sử dụng, quyết toán và thực hiện chế độ báo cáo tình hình sử dụng biên lai thu phí theo quy định. Trường hợp có thất thoát tiền thu phí phải có trách nhiệm bồi hoàn và bị xử lý theo quy định của pháp luật…

Tuy nhiên, tại cuộc họp triển khai thu, quản lý, sử dụng phí bảo trì đường bộ trên địa bàn tỉnh Gia Lai mới đây, nhiều địa phương cho rằng mức thu phí cần được tính toán phù hợp giữa khu vực thành thị và nông thôn, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa cần nghiên cứu mức thu phù hợp. Theo ông Nguyễn Anh Dũng-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông thì việc “cào bằng” sẽ không công bằng với bà con ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế kém phát triển, hộ nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao.

Hơn nữa, ở những khu vực này nhu cầu đi xe trên quốc lộ, tỉnh lộ của người dân rất ít, 70% là đi rẫy trong khi đường trong làng, trong thôn chủ yếu là đường đất hoặc nếu là đường nhựa, bê tông thì phần lớn được làm theo chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm. Tỷ lệ phần trăm để lại cho các đơn vị tổ chức thu, nộp phí cũng là vấn đề được nhiều huyện quan tâm. Đa số lãnh đạo các huyện cho rằng nên trích lại tỷ lệ phần trăm phí thu được cho cấp huyện vì huyện cũng tốn kém trong việc tổ chức họp, tập huấn, tuyên truyền…

 

Ảnh: Lê Lan

Riêng với người trực tiếp đi thu phí nên trả công theo phần trăm số tiền thu được, có như vậy mới kích thích người thu, đồng thời nên chọn những đối tượng có am hiểu về nghiệp vụ kế toán, trình độ dân trí cao để tránh những sai sót. Hay như quy định hàng tuần UBND các xã có trách nhiệm phải nộp tiền vào tài khoản Quỹ bảo trì đường bộ cũng được nhiều địa phương không đồng tình.

Vì để tập hợp tiền về xã hàng tuần các trưởng thôn, già làng phải lên xã để nộp rất mất thời gian, tốn kém chi phí. Ngoài ra, vấn đề về biên lai hầu hết các huyện đều cho rằng nên thống nhất toàn tỉnh do Cục Thuế in, các xã mua theo nhu cầu vì nếu xã tự in sẽ rất khó do số lượng nhiều, ít khác nhau và tùy từng đơn vị in (tại Gia Lai đơn vị in đủ điều kiện in biên lai rất ít) mà chi phí có thể tăng cao hoặc có thể bị sai mẫu, lệch mẫu…

Đối với việc quản lý và sử dụng, thanh-quyết toán Quỹ bảo trì đường bộ cũng được hướng dẫn cụ thể. Trong đó, nội dung chi bao gồm: Chi bảo dưỡng thường xuyên, chi sửa chữa định kỳ hoặc đột xuất, chi quản lý công trình đường bộ và chi hoạt động của văn phòng Quỹ… Hàng năm, căn cứ và tình trạng công trình đường bộ, định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá, định mức chi được cấp thẩm quyền quy định…

Hội đồng quản lý Quỹ bảo trì đường bộ tỉnh sẽ lập kế hoạch chi quản lý, bảo trì đường huyện và đường xã; xác định phần chênh lệch thiếu để đề nghị ngân sách tỉnh bổ sung trên nguyên tắc phân bổ và xác định thứ tự ưu tiên cho từng nhóm nhiệm vụ chi… Vấn đề này cũng được nhiều huyện quan tâm.

Theo ông Lê Đình Huấn- Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Sê thì việc lập kế hoạch từ đầu năm sẽ khó cho huyện vì khi nào đường hư thì mới tổ chức sửa, trong khi đặc thù Tây Nguyên đường thường hư hỏng nặng vào mùa mưa (vào khoảng giữa năm-P.V). Ông Huấn cũng e ngại việc làm hồ sơ xin kinh phí sẽ tốn kém thời gian, phức tạp và đề nghị cần làm rõ hơn trong tổng số tiền thu phí nộp về tỉnh, bao nhiêu phần trăm để điều tiết và bao nhiêu phần trăm trích về huyện vì mỗi huyện tổng mức thu sẽ khác nhau mà người dân một khi đóng tiền họ đòi hỏi đường đi phải tốt hơn…

Những vấn đề nêu trên đều được Hội đồng quản lý Quỹ bảo trì đường bộ tỉnh ghi nhận và sẽ đề xuất lên kỳ họp Hội đồng nhân dân sắp tới. Ông Nguyễn Trung Tâm- Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng quản lý Quỹ cho biết: Dự kiến tổng số quỹ sẽ đạt khoảng 25-30 tỷ đồng/năm, hội đồng quản lý gần như không chi phí (chi phí văn phòng quản lý không đáng kể), phần lớn đều chi lại cho các huyện.

Năm 2013 là năm đầu tiên triển khai, nhiệm vụ mới sẽ phát sinh nhiều vướng mắc, khó khăn, vì thế sẽ tháo gỡ dần dần. Từ 2014 trở đi sẽ đi vào nền nếp ổn định. Quan trọng là các huyện phải triển khai đến tận thôn, làng và phải giải thích, vận động để người dân hiểu, chia sẻ cùng Nhà nước để làm đường, sửa đường…

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm