Công ty TNHH thu phí tự động VETC - doanh nghiệp triển khai đầu tư dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn 1 (BOO1) vừa có văn bản đề xuất Bộ GTVT cho dừng thực hiện hợp đồng thu phí không dừng, do quá lỗ.
Mới chỉ 11 trạm ký phụ lục hợp đồng với VETC. Ảnh: Ngọc Thắng
Mốc 31.12 tất cả các trạm BOT, cao tốc trên cả nước phải triển khai thu phí tự động theo yêu cầu của Chính phủ có nguy cơ đổ bể, khi nhà đầu tư thu phí không dừng giai đoạn 1 vừa có văn bản xin trả lại dự án cho Bộ GTVT.
Xin phá sản, trả lại dự án
Công ty TNHH thu phí tự động VETC - doanh nghiệp triển khai đầu tư dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn 1 (BOO1) vừa có văn bản đề xuất Bộ GTVT cho dừng thực hiện hợp đồng thu phí không dừng, do quá lỗ.
Theo ông Phạm Văn Lương, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH thu phí tự động VETC, dự án bắt đầu triển khai từ cuối tháng 11.2014, đến nay đã 5 năm, tổng mức đầu tư 2.030 tỉ đồng.
Phạm vi dự án bao gồm 44 trạm, trong đó đã đầu tư và vận hành thu phí không dừng 23/27 trạm (2 trạm đang dừng thu phí, 2 trạm Công ty VETC đang thực hiện đầu tư). Ngoài ra, VETC mới kết nối vận hành thu phí 4/17 trạm (do nhà đầu tư BOT đầu tư, trong 4 trạm đã kết nối vận hành thì có 3 trạm của nhà đầu tư Tasco). Giá trị đầu tư đã thực hiện khoảng 1.300 tỉ đồng.
Tháng 7.2019, do việc triển khai dự án quá chậm và kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng tiền để duy trì vận hành dự án, VETC đã có văn bản đề xuất Bộ GTVT chấm dứt hợp đồng dự án, nếu các khó khăn không được tháo gỡ trước 31.7.
Đáng chú ý, lỗ lũy kế đến 30.9 của VETC là 300 tỉ (do tỷ lệ thu phí tự động không dừng thấp, thực tế chỉ đạt khoảng 10% so với kế hoạch). Đến nay, nhà đầu tư (Công ty cổ phần Tasco) đã phải cung ứng vốn tương ứng với số lỗ lũy kế để bù đắp dòng tiền duy trì công tác vận hành. Nếu hết năm 2020 chỉ triển khai được 36 trạm, doanh nghiệp này sẽ lỗ lũy kế cho công tác vận hành khoảng 580 tỉ.
Đây là lý do trong văn bản vừa gửi Bộ GTVT, Công ty VETC tiếp tục đề nghị Bộ GTVT lựa chọn nhà đầu tư khác nhận chuyển giao dự án hoặc nhà nước nhận lại dự án tiếp tục triển khai thực hiện.
Hoặc Bộ GTVT cùng với Công ty VETC có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo hoặc cho dừng hợp đồng và thực hiện các thủ tục phá sản doanh nghiệp theo quy định của pháp luật trong tháng 12.2019 (trong trường hợp những tồn tại và khó khăn đã báo cáo ở trên không được giải quyết). Nếu bắt buộc phải tiếp tục thực hiện dự án, Công ty VETC đề nghị Bộ GTVT chia sẻ rủi ro, bù doanh thu thiếu hụt so với phương án tài chính của hợp đồng dự án.
Nhà đầu tư BOT lần khân?
Đến nay, Công ty VETC mới có 11/44 trạm ký được phụ lục hợp đồng/hợp đồng dịch vụ; còn lại 33 trạm chưa ký được phụ lục hợp đồng/hợp đồng là do một số nhà đầu tư BOT chưa ký hợp đồng dịch vụ.
Các nhà đầu tư BOT không bàn giao làn thu phí để thực hiện đầu tư hệ thống thu phí không dừng; không trả phí dịch vụ vận hành mặc dù trạm đã hoàn thành đầu tư và thực hiện nghiệm thu. Bên cạnh đó, nhà đầu tư BOT chưa đồng ý tổ chức đàm phán hợp đồng; chưa đồng ý mức trích tỷ lệ sử dụng dịch vụ hoặc nhà đầu tư BOT đồng ý mức trích nhưng chờ sự đồng thuận từ ngân hàng tài trợ vốn...
Theo VETC, hiện còn 33 trạm chưa ký phụ lục hợp đồng, trong đó 13 trạm nhà đầu tư BOT chưa đồng ý mức trích doanh thu. Ngoài ra, 7 trạm nhà đầu tư BOT đồng ý mức trích doanh thu nhưng phải xin ý kiến của UBND tỉnh và ngân hàng tài trợ vốn, 6 trạm nhà đầu tư BOT đồng ý mức trích doanh thu nhưng xin trả chậm một phần cho đến khi được tăng giá vé theo đúng phương án tài chính, 2 trạm nhà đầu tư chưa đồng ý tổ chức đàm phán hợp đồng (Tư Nghĩa, Phước Tượng)...
VETC cho rằng, kết quả triển khai không đạt được tiến độ và mục tiêu đã đề ra (rất chậm và kéo dài) đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc duy trì và vận hành dự án, chưa đảm bảo được tiến độ theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Bộ GTVT dự kiến phải lắp đặt làn thu phí tự động trước ngày 31.12.2019.
Trên thực tế, vướng mắc mấu chốt nhất khiến dự án thu phí không dừng giai đoạn 1 liên tục gặp vấn đề, là do mâu thuẫn trong trích lập doanh thu giữa VETC và các nhà đầu tư BOT.
Các nhà đầu tư BOT cho rằng, mức trích lập doanh thu tính trên tổng doanh thu dự án quá cao. Hiện với những trạm nhà đầu tư tự đầu tư, lắp đặt hệ thống vẫn phải trích lập cho VETC thấp nhất là 0,6%, cao nhất là khoảng 3% phí kết nối. Với những trạm do VETC đầu tư lắp đặt thiết bị, chi phí trích lại cho VETC là 5 - 7%.
Theo lãnh đạo Tổng công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi), hiện doanh nghiệp này đang xây dựng hệ thống thu phí không dừng tại cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và QL5. Dù Vidifi tự lắp đặt hệ thống thu phí không dừng, nhưng vẫn mất 2,7% chi phí doanh thu cho VETC, theo ông này là không hợp lý.
Trao đổi với Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, Bộ sẽ làm việc với VETC về các kiến nghị liên quan, ngoài ra, Bộ đang yêu cầu đẩy nhanh kết nối và vận hành thu phí không dừng tại các dự án cửa ngõ vào Hà Nội, TP.HCM như dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình, Hà Nội - Hải Phòng. Tuy nhiên, việc các dự án có kịp tiến độ thu phí tự động vào cuối năm nay hay không, lãnh đạo Bộ GTVT vẫn chưa khẳng định.
Phải sòng phẳng và minh bạch
Theo PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính): Trước đây khi thực hiện thu phí không dừng, cả nhà nước và doanh nghiệp đều không lường trước được hàng loạt vấn đề từ việc phát sinh doanh thu, trích lại doanh thu, tài khoản đóng phí. Các vấn đề này phải được gỡ dần để dự án triển khai được, vì có thu phí không dừng mới minh bạch hoàn toàn, tránh nhập nhèm trong thu phí thủ công hiện nay.
Tuy nhiên, cũng theo TS Long, VETC không thể đòi làm đến khi không hiệu quả lại đòi trả dự án cho nhà nước. Nếu lỗi không triển khai đúng tiến độ do VETC thì doanh nghiệp này phải chịu trách nhiệm, còn nếu do nhà đầu tư BOT, cao tốc không triển khai thì phải chấp nhận dừng thu phí. |
Mai Hà (Thanh Niên)