Điểm cầu Gia Lai, tham dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch, lãnh đạo các sở, ban, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 của tỉnh.
Quang cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Như Nguyện |
Thông tin tại hội nghị, Bộ Y tế cho biết: Đại dịch Covid-19 ghi nhận các ca bệnh đầu tiên cuối tháng 12-2019 tại Vũ Hán (Trung Quốc); sau đó dịch bệnh nhanh chóng lây lan và bùng phát tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Ngày 30-1-2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế và đánh giá là đại dịch toàn thế giới ngày 11-3-2020. Ngày 5-5-2023, sau hơn 3 năm xảy ra đại dịch, WHO xác nhận Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế; tại thời điểm này thế giới ghi nhận trên 696 triệu trường hợp mắc tại 231 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có trên 6,9 triệu trường hợp tử vong.
Tại Việt Nam, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, kịp thời các giải pháp chống dịch phù hợp; dịch bệnh đã từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi và kiểm soát hiệu quả; góp phần quan trọng và tạo điều kiện để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trên các lĩnh vực; được Nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Việt Nam ghi nhận trường hợp mắc bệnh đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh ngày 23-1-2020. Tính đến nay, trải qua 2 giai đoạn chống dịch và 4 đợt bùng phát dịch, cả nước đã ghi nhận trên 11,6 triệu trường hợp mắc và trên 43 nghìn trường hợp tử vong; hơn 99% số mắc được ghi nhận trong giai đoạn 2020-2022. Giai đoạn thứ 1: Từ tháng 1-2020 đến hết tháng 9-2021 với chiến lược “không COVID-19”, khi thông tin về Covid-19 rất hạn chế, chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu. 4 đợt bùng phát dịch đều xảy ra trong giai đoạn này và ghi nhận 790.755 trường hợp mắc, 19.301 trường hợp tử vong.
Đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành thành viên Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 của tỉnh Gia Lai tham dự hội nghị. Ảnh: Như Nguyện |
Từ tháng 10-2021 đến nay, với trọng tâm là chiến lược “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”. Trong thời gian đầu, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp với biến thể Omicron lây lan nhanh trên diện rộng. Trong giai đoạn này, chiến lược vắc xin và chiến dịch tiêm chủng vắc xin đã được triển khai mạnh mẽ, kịp thời, hiệu quả, là tiền đề cho Chính phủ chuyển hướng kịp thời chiến lược phòng-chống dịch. Ngày 11-10-2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, đánh dấu bước chuyển hướng chiến lược quan trọng, từ chiến lược không có ca bệnh sang thích ứng an toàn, linh hoạt vừa kiểm soát dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế và bắt đầu thực hiện quản lý bền vững nguy cơ.
Các giải pháp y tế và các giải pháp hành chính đã được triển khai quyết liệt, phù hợp, kịp thời, đồng bộ. Việt Nam là một trong những quốc gia sớm nới lỏng các biện pháp phòng-chống dịch, thúc đẩy việc mở cửa, giao lưu, giao thương quốc tế. Nổi bật trong giai đoạn này là thành công của chiến lược vắc xin, với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là ngoại giao vắc xin để có vắc xin tiêm chủng miễn phí cho Nhân dân và chỉ đạo thành lập quỹ vắc xin, tổ chức thành công chiến dịch tiêm chủng lớn nhất tại Việt Nam.
Đến nay, dịch covid-19 đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, số mắc, tử vong giảm sâu; số mắc trung bình tháng hiện nay khoảng 10.000 ca, giảm 14 lần so với năm 2021 và giảm 82 lần so với 2022; tỷ lệ tử vong do Covid-19 giảm từ 1,86% (2021) xuống 0,11% (2022) và hiện còn 0,02%. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng-chống dịch Covid-19 đã thống nhất chuyển phân loại Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B; các hoạt động phòng-chống Covid-19 được thực hiện theo Luật phòng-chống bệnh truyền nhiễm đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B.
Tại Hội nghị, các đại biểu xác định những nguyên nhân và bài học kinh nghiệm đúc rút trong phòng-chống dịch để từ đó chuẩn bị tốt hơn để ứng phó với những sự kiện khẩn cấp y tế cộng đồng; đồng thời vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào các lĩnh vực khác của đời sống kinh tế-xã hội. Hội nghị đã nghe tham luận của các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương về công tác phòng-chống dịch.
Hội nghị ghi nhận nhiều tham luận của các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương. Ảnh: Như Nguyện |
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Với tinh thần đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết, chúng ta đã vượt qua đại dịch Covid-19, một đại dịch nguy hiểm, có quy mô toàn cầu, gây hậu quả nghiêm trọng, cả về sức khỏe, tính mạng con người và sự phát triển kinh tế-xã hội của các quốc gia trên thế giới. Việt Nam trở thành một trong những nước “đi sau nhưng về trước” về phòng-chống dịch, mở cửa các hoạt động kinh tế-xã hội trong nước từ 11-10-2021 và mở cửa với quốc tế từ 15-3-2022.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định dù trong phòng- chống dịch có nhiều ý kiến khác nhau nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, sự ủng hộ, hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế, điều quan trọng là chúng ta đã đoàn kết, thống nhất, trên dưới một lòng, làm được những điều tưởng như không làm được, mang lại bình yên cho nhân dân và đưa đất nước tiếp tục phát triển.
Nhìn lại thời gian hơn 3 năm phòng, chống dịch vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Tháng 7-2021, chúng ta bắt đầu đưa ra công thức chống dịch. Lúc đầu, công thức gồm có “5K+ vắc xin”, song đây vẫn là việc rất có ý nghĩa, đánh dấu việc chuyển hướng từ chống dịch bằng biện pháp hành chính sang chống dịch bằng biện pháp hành chính kết hợp với biện pháp khoa học là vắc xin. Sau đó, công thức chống dịch lần lượt được bổ sung các thành tố, trở thành “5K+vắc xin+điều trị+xét nghiệm+công nghệ+ý thức của người dân và các biện pháp khác” và đây là công thức chống dịch tương đối hoàn chỉnh.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị từ những kinh nghiệm đúc rút được, thời gian tới, chúng ta tiếp tục chuẩn bị tốt hơn để ứng phó với những sự kiện khẩn cấp y tế cộng đồng, đồng thời, vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào các lĩnh vực khác của đời sống kinh tế-xã hội.