Thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, sáng 9-7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi làm việc thường niên giữa Thường trực Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhằm đánh giá kết quả phối hợp công tác và thống nhất những định hướng phối hợp trọng tâm trong thời gian tiếp theo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. |
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị cần tích cực đưa “hơi thở cuộc sống” vào hoạt động của Công đoàn các cấp nhằm kịp thời phối hợp bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người lao động.
Kết quả mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thời gian qua cho thấy sự phối hợp hoạt động theo Quy chế giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ngày càng chủ động, hiệu quả, thực chất hơn và đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực như phối hợp trong xây dựng pháp luật, chính sách có liên quan trực tiếp đến công nhân, viên chức, người lao động; phối hợp kiểm tra, giám sát, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, người lao động; phối hợp trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, ý thức công dân; phối hợp trong việc trao đổi thông tin, tiếp nhận và giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp bách liên quan trực tiếp đến người lao động...
Tổng Liên đoàn cũng cho biết hiện người lao động vẫn tâm tư về mức lương tối thiểu vùng chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu; vẫn còn tình trạng doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng, chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hầu như không giảm; điều kiện nhà ở, nhà trẻ-mẫu giáo tại các khu công nghiệp, khu chế xuất còn thiếu.
Bên cạnh đó, người lao động cũng lo lắng về tình hình an toàn vệ sinh lao động, cháy nổ, tai nạn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, những thách thức khi Việt Nam hội nhập sâu rộng, nhất là với việc tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Tại buổi làm việc, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam có cơ chế phối hợp thông tin để Công đoàn thực hiện quyền khởi kiện ra Tòa án đối với những hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động.
Tổng Liên đoàn cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ triển khai đề án xây dựng các thiết chế phục vụ nhu cầu của công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (nhà ở, siêu thị công đoàn, nhà trẻ, nhà văn hóa, trung tâm trợ giúp pháp lý...); trước mắt đề nghị thí điểm tại 15 khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung đông công nhân lao động, theo cơ chế xã hội hóa, Nhà nước hỗ trợ hạ tầng và cơ chế, chính sách, công đoàn huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng.
Đề xuất này ngay tại buổi làm việc đã được Thủ tướng Chính phủ tán thành triển khai. Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương hỗ trợ đất đai, xem xét các khoản ưu đãi về thuế và huy động kinh phí từ các nguồn khác nhau, trong đó khuyến khích giới chủ sử dụng lao động đầu tư xây dựng, chăm lo đời sống để người lao động yên tâm làm việc.
Đánh giá kết quả phối hợp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã thực hiện khá tốt Quy chế phối hợp trong năm qua. Trong quá trình đó, đã khuyến khích và đóng góp nhiều ý kiến, sáng kiến hiệu quả, giải quyết được nhiều vấn đề đang gây bức xúc cho công nhân, góp phần vào việc giữ vững ổn định, trật tự xã hội.
Đề nghị phát huy thành quả , truyền thống phối hợp giữa hai bên từ nhiều năm trước đây, Thủ tướng đề nghị cần đưa “hơi thở cuộc sống” vào các mặt công tác công đoàn, góp phần thực hiện hiệu quả, thực tế hơn nhiệm vụ chăm lo quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.
Quan tâm nhiều đến việc nâng cao năng suất lao động, Thủ tướng lưu ý Công đoàn các cấp cần phối hợp tốt với các cơ quan liên quan và chủ sử dụng lao động để không ngừng nâng cao khâu quan trọng này, t rên cơ sở đó, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống cho công nhân, người lao động.
Mong muốn hai bên tiếp tục phối hợp tốt hơn trong việc chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, Thủ tướng cũng chỉ rõ những hạn chế trong công tác xây dựng pháp luật, chế độ chính sách đối với người lao động và cả cán bộ công đoàn còn chưa sâu sát, cụ thể, đúng với tình hình thực tế; chưa bám sát vai trò của các bộ, ngành. Vấn đề này cần phải được khắc phục trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp thường xuyên, chặt chẽ hơn nữa với Chính phủ để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra, trước hết là phối hợp trong thực hiện, tổ chức các phong trào thi đua phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người lao động.
Thủ tướng cũng giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trình dự thảo Luật Tiền lương tối thiểu để Chính phủ trình Quốc hội đề nghị sớm đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa 14 tại kỳ họp gần nhất.
Đối với xác định lộ trình tiền lương tối thiểu, theo quy định tại Điều 91-Bộ Luật lao động, thì việc điều chỉnh tiền lương hàng năm phụ thuộc vào GDP, CPI và tình hình phát triển kinh tế-xã hội. Vì vậy hiện nay việc xác định lộ trình tiền lương tối thiểu vẫn đang tích cực nghiên cứu triển khai.
Thủ tướng cũng mong muốn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần chủ động, tích cực hơn trong việc nghiên cứu, tổng hợp điều kiện làm việc, sinh hoạt cũng như mong muốn, nguyện vọng chính đáng của người lao động và thông báo, đề xuất kịp thời để Chính phủ có biện pháp xử lý, giải quyết.
Trong quá trình đó, tổ chức công đoàn các cấp cần chú ý đảm bảo giải quyết hài hòa lợi ích giữa giới chủ và người lao động, góp phần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Chính phủ cũng cần phối hợp trong công tác truyên truyền, giáo dục pháp luật, ý thức công dân.
Công đoàn các cấp cũng cần không ngừng đổi mới phương thức quản lý, điều hành, nghiệp vụ công đoàn để công tác này có bước tiến ngày càng rõ rệt, đáp ứng ngày càng tốt hơn lợi quyền của người lao động. Các cấp công đoàn phải vươn lên xứng tầm yêu cầu mới, đáp ứng mong đợi của Đảng, Nhà nước và người lao động, Thủ tướng đề nghị.
Theo TTXVN