(GLO)- “Cánh cửa này đóng lại thì sẽ có cánh cửa khác mở ra. Covid chắp tay chịu thua cán bộ, viên chức Thư viện tỉnh Gia Lai rồi. Nghĩ đến các bạn mình cảm thấy ấm lòng”. Đó là bình luận của một bạn đọc trên trang fanpage về cách làm sáng tạo của Thư viện tỉnh nhằm phục vụ độc giả trong mùa Tết này.
Sau khi UBND tỉnh quyết định không khai mạc Hội báo Xuân Tân Sửu do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Thư viện tỉnh cũng phải tạm thời đóng cửa. Tuy nhiên, cán bộ, viên chức Thư viện đã nỗ lực tìm cách chuyển tải đến bạn đọc những thông tin đặc sắc nhất tổng hợp từ các ấn phẩm báo xuân.
Trên trang fanpage của Thư viện là dòng nhắn nhủ: “Trong thời gian này, dịch bệnh diễn biến khó lường nên chúng tôi không thể phục vụ bạn đọc trực tiếp được. Vì vậy, chúng tôi sẽ cố gắng chuyển tải một số nội dung của Hội báo Xuân năm nay theo hình thức trực tuyến. Kính mời quý bạn đọc cùng lắng nghe. Chúc các bạn một mùa xuân mới an lành, hạnh phúc!”.
Với phông nền phên tre, nứa lá trang trí hoa mai, hoa đào, bánh chưng, bánh tét gợi vẻ đẹp Tết xưa cùng một số gian hàng do chính tay cán bộ, viên chức dựng nên, Thư viện tỉnh đã trưng bày và giới thiệu trực tuyến các ấn phẩm báo Xuân trong cả nước. Bằng lối dẫn chuyện ấm áp, truyền cảm, các MC của Thư viện đã mang đến cái nhìn toàn cảnh về Hội báo Xuân năm nay với những trang bìa ấn tượng, nội dung hấp dẫn.
Nhiều bài viết còn được chọn lọc để thu âm, biên tập thành những video giúp bạn đọc dù ngồi nhà vẫn có thể nắm bắt được những thông tin đặc sắc, ấn tượng như: "10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2020", "Ngày Xuân với những nét đẹp phong tục cổ truyền", "Thành công hay thất bại thì hãy cứ về nhà"…
Cán bộ, viên chức Thư viện tỉnh đầy sáng tạo khi giới thiệu Hội báo Xuân Tân Sửu đến với độc giả bằng hình thức trực tuyến. Ảnh: Phương Duyên |
Cùng với đó, Thư viện còn giới thiệu những câu chuyện, sách hay xoay quanh chủ đề Tết như: "Sự tích bánh chưng bánh dày", "Sự tích cây chổi", "Sự tích hoa mai, hoa đào, cây nêu ngày Tết", "Trên cả hạnh phúc", "Bác Hồ gọi ấy là mùa xuân tới"… hay những bài viết về phòng-chống dịch Covid-19…
Các cộng tác viên là học sinh một số trường trên địa bàn tỉnh cũng tham gia bằng các video giới thiệu sách hay. Gần đây nhất là bài cảm nhận về cuốn sách “Con ngủ đi con” (tác giả Nguyễn Ngọc Thạch) qua giọng đọc của người viết là em Nguyễn Thu Quyên (Trường THPT chuyên Hùng Vương). Chân thành, sâu lắng, bài viết đã mang lại những xúc cảm quý giá về tình phụ tử.
Trước đó, Thư viện cũng đã nhanh chóng triển khai cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc” năm 2021 bằng hình thức trực tuyến, khuyến khích các em học sinh tìm một cuốn sách hay để “nhâm nhi” trong dịp Tết và tham gia cuộc thi.
Chị Trần Thị Hồng Nhung-viên chức Thư viện tỉnh-cho biết: “Được sự chỉ đạo của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, sự lãnh đạo của Ban Giám đốc Thư viện, cán bộ, viên chức cơ quan đã cố gắng phối hợp để hoàn thành chương trình giới thiệu báo Xuân nhằm phục vụ bạn đọc. Tuy phương tiện, máy móc còn hạn chế, khó lọc âm do ghi hình trực tiếp… nhưng chúng tôi rất vui vì nhận được sự phản hồi tốt từ phía độc giả”.
“Thật sáng tạo!”, “Tuyệt vời” là đánh giá của bạn đọc trước những nỗ lực đáng khen của cán bộ, viên chức Thư viện tỉnh để đưa sách báo đến gần hơn với độc giả. Theo thống kê, từ ngày 1 đến 9-2, có 15 video trực tuyến đã được Thư viện đăng tải, thu hút 5.173 lượt truy cập vào Youtube, Facebook, 4.837 lượt truy cập internet.
Em Bùi Phạm Thu Uyên-học sinh lớp 3.7 Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (TP. Pleiku) bày tỏ: “Bình thường mỗi tháng, em đi Thư viện tỉnh 4-5 lần. Dịp Tết, Thư viện không mở cửa cũng hơi buồn. Em sẽ lên mạng để nghe các cô chú giới thiệu những cuốn sách hay, bổ ích”.
Còn bà Đặng Thị Tám (62 tuổi, tổ 6, phường Yên Thế, TP. Pleiku), một bạn đọc lâu năm, tấm tắc: “Thỉnh thoảng tôi cũng theo dõi những chương trình giới thiệu sách trực tuyến trên trang fanpage của Thư viện. Trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, theo tôi, cách thức tổ chức như thế này rất hay, rất phù hợp”.
PHƯƠNG DUYÊN