(GLO)- Đó là dòng tâm sự của cô bé 14 tuổi Kpuih Mỏ-học sinh lớp 8 Trường THCS Nguyễn Khuyến (xã Ia Kly, huyện Chư Prông), nơi có 100% học sinh dân tộc thiểu số.
Mỏ là con đầu của gia đình có 3 chị em. Bố em mất sớm, mẹ và bà lại ốm đau quanh năm. Từ đó, gánh nặng gia đình đè lên đôi vai cô bé có thân hình nhỏ nhắn đến xanh xao.
Em Kpuih Mỏ cùng nhóm bạn đi làm đổi công. Ảnh: T.U |
Làm sao các em có thể tiếp tục đến trường học khi nhà không có cái ăn? Kể từ trước Tết-thời điểm cần nhiều lao động, các em học sinh chẳng còn lý do gì để không lao vào làm thuê kiếm cơm, gạo qua bữa. Có đứa đi làm thuê cốt để được ăn cơm. Có đứa đổi gạo, đổi mì về phụ giúp gia đình. Kpuih Mỏ vẫn ngày ngày cùng nhóm bạn làm đổi công cho nhau. Em nói: “Ngày thì cắt cành, tưới cà phê. Có lúc đi nhặt củi”. Khi được hỏi đi làm có xa lắm không, em chỉ bẽn lẽn gật đầu.
Kpuih Mỏ là một trong số nhiều học sinh THCS tại xã Ia Kly (huyện Chư Prông) phải bỏ dở ước mơ cắp sách đến trường để “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Trường hợp của em Rah Lan Trường (học sinh lớp 7A, Trường THCS Nguyễn Khuyến) cũng không là ngoại lệ khi đã nhiều lần bỏ học để đi chăn bò cho nhà người quen. Cô giáo phải nhiều lần đến nhà tìm gặp và thuyết phục thì em mới quay trở lại lớp học. Gặp em khi vừa đi chăn bò về, em kể: “Mọi khi buổi sáng em đi học, trưa sau khi ăn cơm xong em lại lùa bò đi chăn”. Cô Nguyễn Hiền Cẩm-giáo viên chủ nhiệm của Trường nói, có lẽ lần này em sẽ phải bỏ học luôn vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Bố mẹ em bỏ nhau ra ở riêng sau những lần bố em say xỉn đánh đập vợ; rồi ông về hẳn nhà mẹ đẻ, bỏ lại 3 anh em Trường cho người vợ trẻ tần tảo nuôi con. Là anh cả của gia đình, Trường không còn cách nào khác phải nghỉ học để phụ giúp mẹ. Đi chăn bò cũng là một cách giúp mẹ bớt gánh nặng về miệng ăn trong gia đình.
Ảnh: T.U |
Cô Nguyễn Hiền Cẩm cho biết thêm: “Trường là học sinh ngoan, học lực khá của lớp. Do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên em phải nghỉ học để phụ giúp mẹ, nhưng tôi biết em là đứa trẻ rất thích được đến lớp học”.
Ban Giám hiệu Trường THCS Nguyễn Khuyến cùng các thầy-cô giáo cũng đã tạo điều kiện, giúp đỡ các em rất nhiều về mặt tinh thần và vật chất. Hiệu trưởng nhà trường đã đi vận động và làm mọi cách để học sinh được đến trường nhưng ở địa phương có đến trên 95% là người dân tộc thiểu số thì dường như bao nhiêu sự giúp đỡ cũng không bao giờ đủ. Những thầy giáo, cô giáo nơi này chỉ mong mỏi các em được đến trường học, có đủ áo quần, giày dép, no lòng mỗi khi vào lớp học; gia đình các em được giúp đỡ để có nơi tránh mưa, tránh rét và nếu mỗi hộ gia đình có được một con bò để làm giống thì chắc chắn cuộc sống sẽ bớt cơ cực hơn nhiều phần.
Tạm biệt Chư Prông cùng những mái nhà sàn lưa thưa hút xa dần trong ánh nắng chiều yếu ớt, hình ảnh những em nhỏ mặc áo đồng phục trên tay cầm chiếc roi đi sau đàn bò cứ mãi hiện hữu trong tâm trí tôi suốt quãng đường dài tăm tắp.
Tú Uyên