Ông Đinh Như Bùi, ở thôn Di Đông, xã Phú Hồ (huyện Phú Vang) nghẹn ngào vì 2ha lúa mất trắng phải gặt bỏ để chuẩn bị vụ tới. |
Gạt mồ hôi trên trán, ông Đinh Như Bùi ở thôn Di Đông, xã Phú Hồ đang gặt bỏ những diện tích lúa bị mất trắng trên đồng ruộng nghẹn ngào, nói: “Vụ đông-xuân này gia đình tui làm 2,5ha ruộng, lẽ ra thời điểm này lúa đã chín và thu hoạch. Vậy nhưng, cách đây hơn 1 tháng do lúa trổ bông vào trà đầu gặp phải sương muối và rét hại nên hư hại nặng. Tui làm ruộng mấy chục năm ni, nhưng chưa có bao giờ như ri, cả ruộng lúa không lấy được một hột. Năm ni đói là cái chắc”.
Bên cạnh đó, những hộ như: Đinh Như Rạng, Đinh Như Tý, Đinh Viết Ý… cũng phải ngậm ngùi gặt bỏ ruộng lúa để chuẩn bị cho vụ sản xuất tiếp theo.
Ông Hồ Bạn, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp xã Phú Hồ, cho biết: Hiện trên địa bàn xã có 150ha lúa bị mất mùa nặng, trong đó 126 mất trắng, số còn lại hư hại từ 30%-70%. Kéo theo khoảng 500 hộ/1.257 hộ sản xuất nông nghiệp của xã bị ảnh hưởng. Trong số diện tích lúa bị mất trắng có 60ha sản xuất lúa giống.
Từ năm 1975 đến nay ở khu vực này chưa bao giờ xảy ra tình trạng mất mùa lớn như thế này. Năm nay lúa mất mùa do đợt rét đậm rét hại từ ngày 21-3 đến 30-3 (Âm lịch) gặp đợt lúa trổ bông trà đầu, khiến lúa không thụ phấn được dẫn đến mất mùa trên diện rộng.
Không riêng gì xã Phú Hồ, tại các xã Phú Lương, Phú Xuân, Phú Đa của huyện Phú Vang cũng có trên 300ha lúa bị mất trắng (nặng nhất ở xã Phú Lương với khoảng 200ha), khiến hàng trăm hộ dân lao đao trong mùa giáp hạt.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Viết Mạnh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phú Vang, cho hay: “Tình hình lúa mất trắng trên diện rộng ở xã trên là có thật. Hiện nay chúng tôi đang tổ chức thăm đồng, thống kê lại diện tích lúa bị mất mùa trên địa bàn toàn huyện để có hướng giúp dân”.
Theo SGGP