Thực hiện hỗ trợ học sinh con hộ nghèo: Hiệu quả và bất cập

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hiện Gia Lai có 68 xã đặc biệt khó khăn và 307 làng đặc biệt khó khăn (thuộc 87 xã khu vực II) được thụ hưởng Chương trình 135 giai đoạn II. Theo Quyết định 112, học sinh con hộ nghèo đang học tại lớp mẫu giáo thôn, làng được hỗ trợ 70.000 đồng/tháng x 9 tháng/năm; con hộ nghèo đang theo học tại các cơ sở giáo dục phổ thông: 140.000 đồng/tháng x 9 tháng/năm.

Chính sách hỗ trợ bắt đầu từ tháng 9-2007 và kết thúc vào tháng 5-2011, theo đó, tổng kinh phí Trung ương phân bổ cho tỉnh là 78,019 tỷ đồng, số học sinh con hộ nghèo được hỗ trợ bình quân mỗi năm là 20.299 học sinh ở tất cả các cấp học.

Tỷ lệ học sinh bỏ học giảm

Nói về quá trình cấp phát tiền hỗ trợ cho học sinh nghèo, ông Hoàng Văn Tùng-Hiệu trưởng Trường THCS Hà Tây (xã Hà Tây, huyện Chư Pah) cho biết: “Nhà trường lập danh sách và giúp học sinh photo sổ hộ nghèo, em nào mất sổ thì trường sẽ phối hợp với xã để xác minh và lập danh sách đưa lên. Đợt đầu, Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện trực tiếp cấp phát cho học sinh, sau đó giao lại trách nhiệm này cho từng trường. Để đảm bảo, trường không cấp phát trực tiếp cho học sinh mà giao cho phụ huynh”.

Bà Đinh Thị Giang-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, thành viên Đoàn giám sát-trao đổi với học sinh Trường THCS Hà Tây, huyện Chư Pah. Ảnh: P.D
Bà Đinh Thị Giang-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, thành viên Đoàn giám sát-trao đổi với học sinh Trường THCS Hà Tây, huyện Chư Pah. Ảnh: P.D

Theo đánh giá của Ban Giám hiệu Trường THCS Hà Tây, hiệu quả của chính sách này thể hiện rõ rệt qua việc các em học sinh được trang bị đầy đủ hơn, đi học chuyên cần hơn. Nếu năm học 2010-2011 trường có 8 học sinh bỏ học thì đến gần cuối năm học 2011-2012 chỉ có 3 học sinh bỏ học. Với một xã đặc biệt khó khăn có đến 409/743 hộ nghèo, chính sách này là sự động viên lớn về nhiều mặt để học sinh có thêm nghị lực đến trường.

Tại xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện), việc cấp phát cũng được thực hiện khá tích cực. Ông Nguyễn Minh Khang-Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, cho hay: Quá trình thực hiện cũng có một số khó khăn, chẳng hạn do sai tên mà học sinh không được nhận tiền hỗ trợ. Ví dụ, có một em học sinh có tới… 3 cái tên khác nhau trong giấy khai sinh, sổ hộ khẩu và học bạ: Đinh Nhueng, Đinh Nhen, Đinh Nheng. Tuy nhiên, xã đã kịp thời phối hợp với phụ huynh, nhà trường, Công an để chỉnh sửa cho đúng theo giấy khai sinh, đảm bảo chế độ cho các em.

Theo đánh giá của Sở Giáo dục-Đào tạo, việc hỗ trợ cho học sinh con hộ nghèo từ nguồn vốn 135 giai đoạn II đã tác động tích cực đến kết quả giáo dục; đến nay tỉnh Gia Lai đã có 220/222 xã đạt chuẩn Phổ cập Giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi và Phổ cập Giáo dục THCS.  

Nhiều bất cập, lúng túng

Song song với những mặt tích cực kể trên, việc thực hiện hỗ trợ cho học sinh con hộ nghèo tại các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng cho thấy nhiều bất cập. Theo phản ánh của tất cả các địa phương, kinh phí cấp về rất chậm, đầu năm học này mới thực hiện cấp cho năm học trước nên các xã đều phải nhận “gối đầu”.

Nhiều em tốt nghiệp THCS rồi mới có tiền hỗ trợ. Vì cấp phát không đúng thời điểm nên mục đích sử dụng cũng sai với chủ trương, nhiều gia đình nhận được tiền bèn đi mua tivi, có học sinh còn dùng tiền hỗ trợ đi… duỗi tóc. Không ít trường hợp học sinh năm nay chưa kịp nhận, năm sau đã nghỉ học nên cuối cùng không được nhận hỗ trợ, số tiền này phải trả lại trong khi bản thân học sinh phải chịu thiệt thòi. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện chính sách này đã xảy ra tình trạng một số cán bộ, giáo viên của huyện Ia Pa, Kbang chiếm đoạt tiền hỗ trợ nói trên (Gia Lai online đã phản ánh).

Bên cạnh đó, đáng nói là đa số các địa phương chịu sự giám sát trực tiếp đều thể hiện sự lúng túng trước sự chênh lệch trong báo cáo giữa cấp thực hiện và cấp chỉ đạo. “Các số liệu không trùng khớp, huyện báo một đường, tài chính báo một nẻo, 2-3 số liệu “đá” nhau, chứng tỏ sự phối hợp giữa các ngành không chặt chẽ”-bà Đinh Thị Giang-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, thành viên Đoàn giám sát thẳng thắn nhận định. Tại buổi làm việc với UBND huyện Chư Pah, nhiều thành viên Đoàn giám sát đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác: Báo cáo của huyện về tổng dự toán kinh phí từ năm 2007-2011 là trên 6,1 tỷ đồng, nhưng báo cáo của Phòng Giáo dục-Đào tạo ngày 21-2-2012 lại là 3,2 tỷ đồng (?!).

Ngoài ra, theo Công văn 851 của UBND tỉnh, kinh phí bổ sung cho huyện Chư Pah để tiếp tục cấp hỗ trợ cộng với số còn lại tiếp tục sử dụng chỉ có trên 344 triệu đồng, nhưng theo báo cáo của huyện thì kinh phí đang triển khai cấp phát lên đến 370 triệu đồng! Chính Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Thị Kim Tuyến cũng bất  ngờ với sự chênh lệch nói trên, đồng thời cho biết sẽ làm rõ sau và báo cáo bằng văn bản.

Sự thiếu thống nhất không chỉ cán bộ cấp xã mà cả cán bộ cấp huyện trước sự chênh lệch về số liệu và tiếp nhận sử dụng kinh phí đã được bà Ayun Hbút-Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát-chỉ ra: “Đây là điều rất đáng lo ngại. Như vậy, việc triển khai thực hiện không thể tránh khỏi những sai sót”.

Theo bà Ayun Hbút, Ban Dân tộc HĐND tỉnh sẽ có báo cáo tổng hợp, đánh giá kết quả triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ này để gửi cho các cấp chỉ đạo với với những đề xuất cụ thể thông qua đợt giám sát. Ông Đinh Duy Vượt-Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh-cũng đề nghị: Sau Quyết định 112 cần tiếp tục khảo sát việc thực hiện Nghị định 49 của Chính phủ (với tổng dự toán khoảng trên 200 tỷ đồng cấp cho Gia Lai) để việc hỗ trợ thực sự có hiệu quả thiết thực.

Phương Duyên

Có thể bạn quan tâm