Chính trị

Tin tức

Thực trạng và định hướng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Kỳ 2: Tình hình tổ chức Đảng và quần chúng trong doanh nghiệp

(GLO)- Đánh giá thực trạng tình hình tổ chức đảng và quần chúng trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước (sau đây gọi chung là doanh nghiệp tư nhân-DNTN) trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhận định: “Các tổ chức đảng và các tổ chức đoàn thể chính trị trong doanh nghiệp đều thực hiện tốt vai trò nhiệm vụ của mình, có tinh thần trách nhiệm và không ngừng đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt phù hợp với điều kiện, đặc điểm tình hình của từng loại hình doanh nghiệp”; đồng thời với đó, vẫn còn có những hạn chế, “...nhiều chủ doanh nghiệp chưa hiểu hoặc hiểu chưa đúng chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đảng (và tổ chức quần chúng-N.V) trong các doanh nghiệp, nên không thành lập tổ chức đảng trong doanh nghiệp của mình”(*). Chúng tôi phân tích làm rõ thêm từ nhận định này.

Hiện có 91 tổ chức cơ sở đảng trên 2.517 DNTN, chiếm 3,6%, một con số vô cùng khiêm tốn. Tuy vậy, các tổ chức cơ sở đảng này đã thực hiện tốt chức năng lãnh đạo; nhiều nơi đã xây dựng quy chế làm việc, quy chế phối hợp giữa cấp ủy đảng với ban giám đốc, HĐQT, mà điển hình như Đảng bộ Công ty cổ phần Tập đoàn HAGL, Công ty cổ phần Điện Gia Lai, Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai; thực hiện tốt chế độ sinh hoạt đảng định kỳ, quan tâm tạo điều kiện cho đảng viên, công nhân, người lao động tham gia học tập, bồi dưỡng nâng cao tay nghề, tạo nguồn phát triển đảng viên. Đi đôi với công tác xây dựng đảng, các tổ chức quần chúng như công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên, Phụ nữ cũng được chú trọng xây dựng.
 

Một ca làm việc của nhân viên Công ty cổ phần In và Dịch vụ Văn hóa Gia Lai. Ảnh: B.H

Một số công đoàn cơ sở hoạt động có hiệu quả, duy trì sinh hoạt, nội dung chất lượng sinh hoạt đảm bảo theo yêu cầu của ngành cấp trên; hoạt động của tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ cũng được chú ý. Căn cứ theo Quy chế phối hợp giữa HĐQT, Ban Tổng Giám đốc và Đảng ủy Công ty cổ phần Tập đoàn HAGL mà Đảng ủy ở đây đã thành lập được tổ chức đoàn cơ sở với 295 đoàn viên thanh niên, công đoàn cơ sở có 356 đoàn viên, hoạt động và duy trì sinh hoạt bởi được sự đồng thuận, tạo điều kiện của Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc Tập đoàn.
 

Từ năm 2010 đến nay, thành lập mới 2 TCCS đảng trong DNTN; kết nạp 112 đảng viên; một số TCCS đảng làm tốt công tác này như: Đảng bộ Công ty cổ phần HAGL, Công ty cổ phần Điện Gia Lai, Chi bộ Công ty cổ phần Thương mại Gia Lai, Công ty TNHH Trung Kiên, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Gia Lai... Cấp ủy trong các DNTN đã thể hiện tốt vai trò phối hợp với Chủ tịch HĐQT, Ban Tổng Giám đốc, Giám đốc trong công tác lãnh đạo đảng viên và người lao động thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập; tham gia ý kiến với lãnh đạo DN trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ cấp phòng, ban chuyên môn...
(Nguồn: Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh Gia Lai)

Từ đó, trong nhiều doanh nghiệp có các tổ chức này hoạt động, những người đứng đầu tổ chức đã góp phần không nhỏ động viên, khuyến khích tinh thần hăng say lao động, nhiệt tình, tích cực của người lao động trong việc cùng tham gia với chủ doanh nghiệp về tình hình sản xuất kinh doanh, phản ánh về tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người lao động để chủ doanh nghiệp nghiên cứu, gặp gỡ, giải quyết. Đồng thời qua các tổ chức đoàn thể, tuyên truyền, tập hợp và vận động công nhân, người lao động thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước, hiểu biết và tự bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình theo pháp luật quy định.

Tuy nhiên, một số tồn tại và đó cũng là những khó khăn vướng mắc về lâu dài trong việc xây dựng tổ chức đảng trong DNTN. Theo nhận định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (tài liệu đã dẫn), thì việc xây dựng và thành lập tổ chức đảng trong các DNTN gặp không ít khó khăn, do một số cấp ủy cấp trên tổ chức cơ sở đảng chưa quan tâm hoặc quan tâm chưa đúng mức, chưa thường xuyên đến công tác phát triển đảng viên, thành lập tổ chức đảng. Và, theo Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh thì, vấn đề còn là: do những doanh nghiệp nhỏ vốn điều lệ thấp, ít đảng viên, ít người lao động, sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, nên bị giải thể, phá sản, dẫn đến việc thành lập tổ chức đảng xong lại phải giải thể. Việc phát triển hội viên, đoàn viên của các tổ chức quần chúng cũng gặp khó khăn tương tự. Các cấp ủy cơ sở nơi doanh nghiệp đứng chân nhận thức chưa đầy đủ, sâu sắc về sự cần thiết thành lập các tổ chức hội đoàn thể; chưa đề ra giải pháp, chỉ đạo thực hiện nên tỷ lệ các tổ chức đoàn thể trong các DNTN còn quá thấp.

Mặt khác, nhiều chủ doanh nghiệp chưa mặn mà với việc này, nhất là ngại thành lập các hội đoàn thể sẽ ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và nhiều lý do khách quan, tế nhị khác; về phía khác, người lao động trong doanh nghiệp cũng chưa thấu hiểu, chưa tình nguyện gia nhập vào các hội, đoàn thể... Lỗi của việc này thuộc về công tác tuyên truyền, vận động của các cấp ủy, chính quyền và đoàn thể sở tại. Điều nữa là thực tế hoạt động của tổ chức đảng và các đoàn thể trong một số DNTN còn mờ nhạt, chưa có hiệu quả, lúng túng trong nội dung lãnh đạo, trong nội dung và hình thức sinh hoạt; công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng trong đảng viên chưa hiệu quả hoặc hiệu quả đạt không cao. Sự phối hợp, kết hợp trong các hoạt động của đoàn thể đôi khi không đem lại hiệu quả thiết thực cho việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, không được chủ doanh nghiệp nhiệt tình ủng hộ.

 

Từ thực trạng nói trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy (tài liệu đã dẫn) rút ra một số kinh nghiệm để phát huy ưu điểm, mặt làm tốt và khắc phục những việc còn thiếu sót, khuyết điểm, để đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho công tác này vào thời gian đến. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nêu: “Để làm tốt công tác xây dựng và phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, trước hết cần chú trọng việc tuyên truyền, tạo sự thống nhất nhận thức cho các cấp ủy về vai trò, sự cần thiết thành lập tổ chức đảng trong các doanh nghiệp khu vực này. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể phải quan tâm chỉ đạo, trực tiếp gặp gỡ chủ doanh nghiệp để vận động, thuyết phục, tạo sự đồng thuận; đồng thời phân công cấp ủy, các ngành thực hiện”. Việc tuyên truyền, vận động, giải thích cụ thể về ích lợi của việc thành lập tổ chức đảng, các đoàn thể trong doanh nghiệp để chủ doanh nghiệp cùng đồng thuận, người lao động cùng hưởng ứng, cùng tham gia là việc làm được coi trọng tâm, trước nhất; bởi nếu tư tưởng không thông chắc chắn sẽ không thể hành động co- kết quả, điều đó trong thực tiễn đã cho chúng ta bài học.

Cùng với việc tuyên truyền, vận động, một kinh nghiệm khác là, các cấp ủy nói chung và số cấp ủy, tổ chức đảng hiện có trong các doanh nghiệp phải thường xuyên chỉ đạo việc kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động, các tổ chức đoàn thể bám sát các hoạt động của doanh nghiệp, chủ động đề ra nội dung và giữ định kỳ sinh hoạt. Cấp ủy các cấp chăm lo giúp đội ngũ cán bộ chuyên trách, kể cả việc hỗ trợ kinh phí hoạt động, chăm lo công tác phát triển đảng viên. Đảng ủy, chi ủy bám sát, chỉ đạo cụ thể tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên để thông qua đó tạo nguồn bồi dưỡng, giúp đỡ người lao động hiểu biết về tổ chức đảng và đoàn thể, phát hiện nhân tố tích cực kết nạp họ vào tổ chức đảng, các đoàn thể.

Bích Hà
(*) Báo cáo số 342, ngày 9-6-2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai.

 

Hiện trong các loại hình doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước (2.517) của toàn tỉnh có 2.440 đảng viên, sinh hoạt trong 91 tổ chức cơ sở đảng; 108 tổ chức công đoàn cơ sở, với 8.995 đoàn viên; 3.034 đoàn viên thanh niên, sinh hoạt trong 97 tổ chức đoàn cơ sở. Tổ chức hội phụ nữ còn rất ít, chỉ 5 DNTN có tổ chức này với 1.741 người tham gia; đặc biệt không có DNTN nào có tổ chức Hội Liên hiệp Thanh niên.

Có thể bạn quan tâm