Có một mảnh đất được ở vào diện “tấc đất tấc [ngàn] vàng” theo đúng nghĩa đen, khi giá trị của nó là 2,4 tỉ đồng cho 1 mét vuông - viết đầy đủ ra cho đỡ đọc nhầm. Nếu nó tạo ra giá trị kinh tế để phát triển đất nước, niềm vui nhân lên hàng nghìn lần, nhưng không may, đó lại là câu chuyện buồn.
Có một “mảnh đất” khác, trong nhiều năm, nhiều người “cày bừa”, đổ bao nhiêu tiền của, công sức, mồ hôi, nước mắt, thế mà vẫn không thể đưa giá trị của nó vượt lên. Câu chuyện đó còn buồn hơn gấp vạn.
Bóng đá Việt Nam, nói đúng hơn là “các giải bóng đá quốc nội”, tưởng như là một “mảnh đất” màu mỡ, dễ khai thác, dễ kiếm tiền, dễ giàu. Bởi tình yêu và sự hâm mộ của người Việt với bóng đá thế nào, có lẽ, không cần nhắc lại. Nhưng như một thói quen, năm này qua năm khác, nói đến khía cạnh tài chính của bóng đá nội thường dẫn đến điểm chung “chán chả buồn nói”.
Chỉ với một cái tên, giới bất động sản rúng động và đương nhiên khiến “người dân” choáng váng khi nghe đến những con số. V.League và các giải quốc nội thì còn choáng hơn, bởi gần 600 tỉ đó có thể gánh cho một câu lạc bộ trong… 12 năm (nếu dựa trên tính toán ngân sách để hoạt động ổn trong điều kiện hiện tại), là con số gấp đôi, gấp ba kế hoạch tài chính mà Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) hay Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) phấn đấu đạt được trong năm 2022, giúp cho 13 câu lạc bộ tại V.League có thể ký quỹ hàng năm trong khoảng gần 10 mùa giải (500 triệu/năm) và gấp 200 lần số tiền thưởng mà đội vô địch V.League 2022 sẽ nhận được...
Đó là số tiền cọc mà người ta sẵn sàng “bỏ đi”!? Rồi thời gian gần đây là chuyện liên quan đến những cái tên như Việt Á, FLC, những vụ đánh bạc chạm đến con số hàng nghìn tỉ… Nghĩ mà thương cho “mảnh đất” bóng đá. Tất nhiên, cái gì cũng có giá của nó. Bóng đá nội, trên thực tế, cũng phải nhìn lại chính mình khi không thiếu chuyện tranh giành, đấu đá, chuyện hậu trường, lợi ích nhóm, bóng đá không chỉ đơn thuần là bóng đá. Thế nên, bóng đá Việt cần một sự chung sức trong “cày bừa”, cóp nhặt từng giá trị nhỏ tạo thành tổng thể giá trị lớn. Khi chưa có “phù thủy” nào biết… thổi giá “mảnh đất” ấy…
LÊ VINH (LĐO)