Kinh tế

Thủy điện- Lĩnh vực thu hút các nhà đầu tư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hàng ngàn tỉ đồng đã được các công ty tư nhân đầu tư xây dựng các nhà máy thủy điện chứng tỏ sức hút của lĩnh vực kinh doanh này hấp dẫn đến mức nào.
Sông Sê San, tiềm năng thủy điện lớn của cả nước đã được khai thác để khắc phục tình trạng thiếu điện nghiêm trọng trong nhiều năm trước. Đầu tiên là đại công trình thủy điện Ia Ly (720 MW) thuộc sở hữu nhà nước và nhiều công trình khác trên bậc thang thủy điện sông Sê San cũng được triển khai và đã phát điện. Cũng trên dòng sông này, công trình nhà máy thủy điện Sê San 4A thuộc sở hữu tư nhân đầu tiên được triển khai xây dựng từ năm 2008 cũng hứa hẹn triển vọng khả quan. Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Sê San 4A- ông Nguyễn Sinh cho biết: “Nhà máy sẽ có 3 tổ máy với tổng công suất 63 MW với tổng mức đầu tư trên 1.500 tỉ đồng”.
Nhà máy thủy điện Sê San 4A đang trong giai đoạn hoàn thành. Ảnh: Trần Hiếu
Mới đây, Công ty này đã ký kết hợp đồng bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Dự kiến vào quý I-2011, tổ máy đầu tiên của nhà máy sẽ phát điện và khi hoàn tất, việc vận hành cả ba tổ máy (cũng trong năm 2011) sẽ cung cấp sản lượng điện bình quân hàng năm 331 triệu KWh.
Toàn khu vực Tây Nguyên hiện có đến 11 nhà máy thủy điện lớn đang hoạt động với tổng công suất 5.000 MW (bằng 25% tổng công suất nguồn điện quốc gia). Nguồn thủy năng của khu vực này đang được các doanh nghiệp tư nhân và Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) tập trung đầu tư khai thác. Trong khi Việt Nam chờ triển khai nguồn cung cấp điện mới là điện hạt nhân thì thủy điện vẫn là phương thuốc chữa “cơn khát” điện khả dĩ. Có nhiều luồng dư luận về việc triển khai các công trình thủy điện sẽ gây mất rừng, thu hẹp đất canh tác phá vỡ cân bằng sinh thái… nhưng những lợi ích của nó là không thể chối cãi.
Trong “cuộc chơi” thủy điện này, các công ty tư nhân rất nhanh nhạy bỏ vốn, công sức tìm hiểu, khảo sát lập dự án và triển khai xây dựng các nhà máy. Suất đầu tư thấp, đòi hỏi về kỹ thuật không cao so với các nhà máy dùng các nguồn nguyên liệu khác, khả năng thu hồi vốn khá nhanh, được các ngân hàng thương mại tài trợ vốn là những nguyên nhân doanh nghiệp tư nhân đầu tư mạnh vào lĩnh vực thủy điện.
Công ty Kinh doanh Hàng xuất nhập khẩu Quang Đức và Công ty cổ phần Thủy điện Đak Psi… đang đầu tư xây dựng các nhà máy thủy điện lên phía tỉnh Kon Tum với số tiền lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Công ty cổ phần Thủy điện Hoàng Anh Gia Lai hiện đang là chủ đầu tư của 5 dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh, trong đó có 4 dự án đang được Công ty triển khai ở huyện Kông Chro và Đức Cơ (Gia Lai). Ông Nguyễn Văn Hùng- Giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Hoàng Anh Gia Lai cho biết: 4 dự án thủy điện khi đầu tư xong sẽ có sản lượng điện trung bình hàng năm khoảng 222 triệu KWh. Các nhà máy trên góp vào nguồn thu ngân sách của tỉnh hơn 40 tỉ đồng/năm.
Trần Hiếu

Có thể bạn quan tâm