(GLO)- Thành công trong việc đưa công nghệ hạt nhân tạo ứng dụng vào thực tiễn sản xuất- điều mà suốt hơn 3 thập kỷ qua cả thế giới đang ách tắc, Tiến sĩ (TS) Cao Đình Hùng được báo chí Australia và giới khoa học trên thế giới đánh giá là đã tạo bước đột phá trong vòng 30 năm qua ở lĩnh vực nông nghiệp và môi trường. Anh cũng được xem là một cầu nối quan trọng giữa hai chính phủ Australia và Việt Nam trong tương lai...
Những ngày mưa lụt đầu tháng 10, tôi gặp TS.Hùng ở Huế trong đợt anh trở về thăm quê lần đầu tiên sau 6 năm học tập và nghiên cứu khoa học ở Australia. “Mình về thăm Huế mấy ngày đúng vào đợt lụt. Mình đã lội lụt đi chợ mua cá mại mại về kho, mua rau tập tàng về nấu canh thấy ngon quá! Làm thạc sĩ và tiến sĩ ở Australia mấy năm trời, mình cứ nhớ những món ăn dân dã của Huế, nhớ mùa lụt ở Huế. Đó là những “đặc sản” của Huế mà những người đi xa quê như mình mới thấy nhớ da diết...”, TS.Hùng tâm sự bằng kiểu nói nhỏ nhẹ của người Huế.
Luận án tiến sĩ mang tính đột phá trong khoa học
Tiến sĩ Cao Đình Hùng |
Thực hiện đề tài luận án TS Sản xuất hạt giống cây gỗ bạch đàn và gụ để phục vụ công tác gây dựng và bảo vệ rừng ở hai nước Việt Nam và Australia, Cao Đình Hùng đã nghiên cứu thành công phương pháp nhân bản vô tính cây bạch đàn bằng cách cắt đốt tại Đại học Sunshine Coats (Australia). Đã có hàng chục công trình khoa học về nhân bản vô tính các cây bạch đàn trên thế giới, nhưng nhân bản theo phương pháp cắt đốt là công trình đầu tiên trên thế giới để sản xuất giống cây bạch đàn một cách đơn giản nhất, giảm được chi phí sản xuất và giá thành của cây giống. Luận án Tiến sĩ của anh đã được đánh giáo rất xuất sắc vì mang tính lý luận sâu sắc và tính đột phá lớn trong khoa học.
Theo quy định của các nước phương Tây, nếu trong khoảng thời gian nghiên cứu Tiến sĩ, nghiên cứu sinh có được 5 công trình nghiên cứu khoa học (đạt chất lượng) được đăng tải ở các tạp chí quốc tế có uy tín thì không cần phải nộp luận án Tiến sĩ. Vậy mà TS.Cao Đình Hùng vừa có 5 công trình như vậy, lại vừa nộp luận án Tiến sĩ.
“Mình chọn cây bạch đàn và cây gụ để nghiên cứu vì bạch đàn là cây bản xứ của Australia, còn gụ là cây bản xứ của châu Phi đang có nguy cơ tuyệt chủng do khu phân bố bị thu hẹp dần và nạn khai thác gỗ quá mức. Hai loại cây này đang được Australia ưa chuộng và có tiềm năng lớn trong việc trồng rừng ở Việt Nam, cũng như mở ra nhiều cơ hội hợp tác có lợi sau này giữa hai chính phủ”, TS.Hùng cho biết. Kết quả nghiên cứu của TS.Hùng một khi được triển khai tại Việt Nam sẽ làm giảm áp lực rừng tự nhiên và giúp cân bằng sinh thái bởi theo ước tính, từ khi trồng cây con đến thời gian 4-5 năm là có thể phủ xanh đất trống, đồi trọc và trong vòng 8-10 năm có thể thu hoạch được gỗ.
“Quê hương là nguồn động lực...”
Cây Khaya senegalensis được ươm bằng công nghệ hạt nhân tạo. |
Để thực hiện thành công đề tài nghiên cứu khoa học hóc búa này, TS. Cao Đình Hùng đã trải qua rất nhiều khó khăn. “Có những lúc kết quả nghiên cứu không như mong đợi, đã rất nhiều lần lặp đi lặp lại thí nghiệm nhưng vẫn không thành công nhưng mình không bao giờ bỏ cuộc, Hùng nói- bởi những lúc thất bại là lúc mình nghĩ về quê hương Việt Nam nghèo khó của mình, nghĩ đến những người nông dân "một nắng hai sương", những mảnh đời lam lũ và tinh thần bất khuất, lạc quan, không chùn bước trước mọi khó khăn của người Việt Nam. Chính quê hương là nguồn động lực rất lớn để giúp mình vượt qua được mọi chông gai và gian khổ trong suốt gần 6 năm sinh sống và học tập ở Australia”. Nhờ ý nghĩ này, Hùng đã vượt qua quãng thời gian nghiên cứu vô cùng khó khăn tưởng chừng như không vượt qua nổi.
Không chỉ gặp khó khăn trong nghiên cứu, TS.Cao Đình Hùng còn phải đối mặt với nhiều túng thiếu do đồng lương ít ỏi của học bổng so với mức chi tiêu đắt đỏ ở xứ người. “Đa số các sinh viên đều đi làm thêm rất nhiều giờ/tuần để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Một số khác thì đi làm thêm không phải vì thiếu tiền mà vì muốn có thật nhiều tiền để mang về Việt Nam sinh sống. Vì vậy đã có rất nhiều sinh viên Việt Nam không theo kịp khóa học, đành phải bỏ học nửa chừng, hoặc học tập đạt kết quả không xuất sắc”, TS.Hùng nói.
Riêng Hùng, anh xác định con đường đi cho mình ngay từ đầu là: “Hạn chế tối đa việc đi làm thêm để tập trung thời gian vào việc học tập cho thật tốt mới hy vọng đạt được bước đột phá làm rạng danh cho Tổ quốc”. Và Hùng đã dành hầu hết thời gian rảnh rỗi của mình, kể cả những ngày nghỉ lễ và cuối tuần để nghiên cứu. Anh tâm sự: "Nhiều lúc cũng thấy tủi thân lắm vì bạn bè thì tụ tập vui chơi còn mình cứ lủi thủi nghiên cứu một mình. Nhưng khi nghĩ về bà con nơi mình sinh ra vẫn còn đầu tắt mặt tối, mình lại có khí thế để làm việc tiếp. Mình hy vọng sau này sẽ giúp ích được nhiều cho đất nước và bà con".
Và mong muốn làm rạng danh Tổ quốc
Không những siêng năng, cần cù và chịu khó học tập, anh còn thể hiện sự vượt trội trong nghiên cứu khoa học so với rất nhiều sinh viên quốc tế và cả sinh viên bản xứ. Thành công đã đến với Hùng khi anh nghiên cứu và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ vào tháng 6-2011. Công trình khoa học của anh được đánh giá là mang tính đột phá, gây tiếng vang to lớn trên thế giới, và được Australia đánh giá là “một cuộc cách mạng trong nhân giống cây trồng”. “Mình muốn chứng minh rằng nước Việt Nam tuy nghèo chứ không lạc hậu và mình muốn bạn bè quốc tế phải nể phục người Việt Nam. Thành công này đã khiến cho bạn bè, đồng nghiệp và giới khoa học Australia rất nể phục và tôn trọng mình. Qua đây, người Australia bắt đầu có cái nhìn thiện cảm và khâm phục hơn về du học sinh Việt Nam”, TS.Hùng nói.
Cũng sau thành công này, TS.Cao Đình Hùng được đánh giá là một cầu nối quan trọng giữa hai chính phủ Australia và Việt Nam trong tương lai.
Một bất ngờ lớn với TS.Hùng là tháng 8-2011, đoàn làm phim VTV1 của Đài truyền hình Việt Nam đã bay sang Australia để quay phim tài liệu về bước đột phá khoa học của anh dưới sự tài trợ kinh phí của Đại sứ quán Australia. Việc quay phim này sẽ có lợi cho cả 2 nước Australia và Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục và hợp tác nghiên cứu khoa học. Sau khi anh trở về nước vào tháng 10-2011, Đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh-HTV7 đang mời anh tham gia hợp tác làm làm phim nhiều tập về cuộc đời và sự nghiệp nghiên cứu, học tập của anh ở trong và ngoài nước.
Với mong muốn đóng góp cho đất nước và thế giới thật nhiều, anh đã lập một đề cương nghiên cứu khoa học mang tầm thế giới có tên là: “Cải biến bộ gen của các giống cây trồng qúi hiếm có tiềm năng ứng dụng to lớn”. Đây cũng là đề cương nghiên cứu Postdocs (sau Tiến sĩ) mà qua đó TS.Hùng hy vọng sẽ đoạt được giải thưởng lớn như giải Nobel để làm rạng danh hơn nữa cho Tổ quốc. Đề cương này đã được nhiều nhà khoa học ở nước ngoài đánh giá rất cao và được chính phủ Australia cấp một suất học bổng cho anh để thực hiện vì nước này nhận thấy công trình sẽ mang lại lợi ích vô cùng to lớn cho Australia và thế giới.
Đã có nhiều trường đại học uy tín trên thế giới mời anh giảng dạy chính thức, làm trưởng phòng thí nghiệm, làm Đại sứ, hoặc làm trợ lí giám đốc cho các công ty Lâm nghiệp ở nước ngoài với mức lương rất cao nhưng TS.Hùng từ chối vì ước mong lớn nhất của anh là “làm thế nào đó để nhân dân Việt Nam mình đỡ vất vả. Mình chỉ muốn trở về cống hiến cho đất nước Việt Nam mãi mãi”, TS.Hùng nói.
Thanh Vân
TS.Cao Đình Hùng tốt nghiệp cùng lúc 2 trường đại học là Đại học Khoa học Huế ngành Sinh học (loại giỏi) và Đại học Sư phạm Huế, ngành tiếng Anh. Sau tốt nghiệp, anh làm nghiên cứu khoa học tại Viện Sinh học Tây Nguyên. Được chính phủ Australia cấp học bổng du học, anh đã hoàn tất chương trình thạc sĩ tại Đại học Công nghệ Sydney với đề tài nghiên cứu giá trị dược liệu trên cây wasabi có nguồn gốc từ Nhật Bản nhằm phục vụ cho công nghệ thực phẩm và chữa bệnh ung thư. Công trình này cũng chính là luận án thạc sĩ của Hùng được được xếp hạng nhất tại Đại học Công nghệ Sydney năm 2007. Trước đó, anh cũng đã hoàn tất một chương trình thạc sĩ khác ở trong nước với kết quả "đặt cách" (tức là bảng điểm thạc sĩ không có môn nào dưới 8). Sau đó, anh xin được học bổng để làm tiếp Tiến sĩ tại Australia mặc dù đã có hơn 10 trường đại học danh tiếng bậc nhất ở Anh gửi thư mời anh sang làm Tiến sĩ. Tháng 6-2011, anh hoàn thành chương trình Tiến sĩ tại Đại học Sunshine Coats (Australia) với công trình được đánh giá tạo bước đột phá trong vòng 30 năm qua ở lĩnh vực nông nghiệp và môi trường. |