Tiến tới không còn bạo lực gia đình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, Gia Lai đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiểu biết và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về phòng-chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới. Cùng với đó là chú trọng tuyên truyền Luật Phòng-chống bạo lực gia đình đến với mọi người, gia đình và cộng đồng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy quyền bình đẳng giới cho phụ nữ.

 Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh gặp mặt cán bộ nữ và nữ doanh nhân tiêu biểu trên địa bàn tỉnh nhân ngày phụ nữ Việt Nam. Ảnh: Đinh Yến
Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh gặp mặt cán bộ nữ và nữ doanh nhân tiêu biểu trên địa bàn tỉnh nhân ngày phụ nữ Việt Nam. Ảnh: Đinh Yến

Theo ghi nhận của P.V, nạn nhân hầu hết của các vụ bạo lực trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây đều là phụ nữ, chiếm hơn 73%. Theo thống kê của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, 58,6% số vụ liên quan đến bạo lực về thể xác, sau đó là bạo lực về tình cảm, tinh thần chiếm 26,2%, bạo lực về kinh tế, như đập phá đồ vật, làm tổn thất tài sản chung hoặc kiểm soát tước đoạt quyền chi tiêu của các thành viên khác chiếm 13,5% và một tỷ lệ nhỏ bạo lực về tình dục (chiếm 1,6%).  

Nguyên nhân xảy ra tình trạng bạo lực gia đình một phần là do định kiến giới và tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn tồn tại khá phổ biến ở trong gia đình và một bộ phận dân cư. Hơn nữa, trong gia đình, phụ nữ tham gia vào việc ra quyết định thấp hơn nam giới. Quyền lực của người chồng thể hiện ở quyền quyết định một số việc như mua sắm, sản xuất kinh doanh, quan hệ họ hàng. Ngược lại người vợ thường chỉ có tiếng nói ở những việc như sử dụng biện pháp tránh thai, việc học của con cái hay việc nội trợ.

Trao đổi với P.V, bà Trần Ngọc Chi-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, cho rằng: Trong cuộc sống gia đình, vợ chồng khó tránh khỏi cãi nhau. Nếu có điều gì không vừa ý mà cứ im lặng, không chịu nói cho người kia biết ý muốn của mình để lâu ngày không phải là cách hay. Vợ (chồng) đừng nên ngại nói lời xin lỗi khi có vấn đề xảy ra. Cả vợ và chồng đều nên xuống nước để giải quyết vấn đề thay vì giận nhau kéo dài. Nên bày tỏ những khác biệt, kể cả bất mãn, để rồi đưa đến sự thông cảm và hiểu nhau. Trong lúc vợ chồng cãi vã nhau, càng hạn chế được những lời lẽ thô tục, nặng nề với nhau càng tốt, bởi làm như vậy chắc chắn sự cãi vã đó không thể nào xây dựng gia đình tốt đẹp được. Vũ phu là điều mà phụ nữ không bao giờ chấp nhận. Sống để hạnh phúc, hôn nhân vững vàng mới là nền tảng tốt cho con cái. Một gia đình vợ chồng chửi bới lẫn nhau, xúc phạm lăng mạ, đánh đập nhau, chắc chắn con cái sẽ không bao giờ ngoan ngoãn được. Mỗi cặp vợ chồng nên tôn trọng lẫn nhau, biết yêu thương lẫn nhau thì gia đình mãi ấm êm, hạnh phúc.

Vậy làm gì để tiến tới không còn bạo lực gia đình? Ông Phạm Ngọc Tiến-Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ- Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, trong buổi làm việc với Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh, nêu quan điểm: Phụ nữ muốn “giỏi việc nước, đảm việc nhà” thì mỗi người cần phấn đấu vô cùng vất vả và phải có sự đồng hành của người bạn đời trong gia đình. Để bình đẳng giới trong gia đình thì giải pháp quan trọng nhất là tập trung tuyên truyền, giáo dục “mưa dầm, thấm lâu” mới mong thay đổi được nhận thức của cộng đồng xã hội. Đặc biệt, Nhà nước cần quan tâm gia tăng dịch vụ xã hội để giúp chị em giảm bớt sự chi phối công việc gia đình, tập trung hoàn thành công việc của cơ quan và xã hội.

Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh trong những năm qua cũng đã có những nội dung hoạt động tích cực về vấn đề phòng tránh bạo lực gia đình. Bà Trần Thị Hoài Thanh-Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh, cho biết: Ban thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, nhất là các cấp Hội phụ nữ để thực hiện những mô hình, câu lạc bộ, như: mô hình ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới; “gia đình không bạo lực”. Riêng ngành Lao động-Thương binh và Xã hội đang lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong chương trình quốc gia giảm nghèo, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm