Tiến tới phổ cập các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản trong cộng đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày Dân số thế giới năm nay, Liên hợp quốc đưa ra chủ đề “Tiếp cận, phổ cập các dịch vụ sức khỏe sinh sản”. Có thể nói rằng, đây là một trong những vấn đề ưu tiên mang tính toàn cầu, vì sức khỏe của mỗi người dân, vì chất lượng giống nòi của mỗi dân tộc. Sau hơn 50 năm thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về dân số-kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), đặc biệt là sau 10 năm thực hiện chiến lược dân số Việt Nam và chiến lược sức khỏe sinh sản (SKSS) giai đoạn 2001-2010, công tác dân số-SKSS cả nước nói chung và Gia Lai nói riêng đã đạt được những kết quả quan trọng.  

Theo số liệu thống kê của Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2012, toàn tỉnh có 11.387 trẻ em được sinh ra, giảm 46 cháu so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm còn 29,5%. Công tác dân số và chăm sóc SKSS có mối liên quan mật thiết với nhau, có tác động qua lại, bổ sung, tương hỗ với nhau.

Chị em xã Ia Blang, huyện Chư Pưh khám sức khỏe định kỳ tại Trạm Y tế xã. Ảnh: Đ.Y
Chị em xã Ia Blang, huyện Chư Pưh khám sức khỏe định kỳ tại Trạm Y tế xã. Ảnh: Đ.Y

Trong những năm qua, công tác chăm sóc SKSS đã đạt được những kết quả tốt. Các dịch vụ chăm sóc SKSS đến các vùng sâu, vùng xa, công tác truyền thông dân số lồng ghép dịch vụ KHHGĐ và chiến dịch tăng cường đưa dịch vụ KHHGĐ-chăm sóc SKSS đến các vùng khó khăn đã được triển khai sâu rộng, góp phần không nhỏ vào thực hiện mục tiêu chiến lược dân số và chăm sóc SKSS, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân, nhất là phụ nữ, trẻ em tuổi vị thành niên và những người sống ở vùng sâu, vùng xa.

Ngày 29-3-2012, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 131/QĐ-UBND về kế hoạch hành động giai đoạn 2011-2015 của tỉnh Gia Lai về thực hiện chiến lược dân số, SKSS giai đoạn 2011-2020. Đây là tiền đề quan trọng, nhằm đẩy mạnh công tác dân số, chăm sóc SKSS. Từ đó, hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS đã có bước phát triển đáp ứng phần lớn nhu cầu chăm sóc sản khoa thiết yếu, y tế cơ sở và chăm sóc sản khoa cơ bản tuyến huyện, tỉnh. Gia Lai hiện có 1 trung tâm chăm sóc SKSS chịu trách nhiệm tham mưu cho Sở Y tế về công tác chăm sóc SKSS trên địa bàn, 1 Bệnh viện Đa khoa tỉnh, 2 Bệnh viện Đa khoa khu vực và 16 Trung tâm Y tế huyện có khoa sản, có phòng khám chuyên khoa sản phụ khoa tư nhân. Số trạm y tế có bác sĩ chiếm 48,2% trên địa bàn tỉnh, 100% trạm y tế xã có nữ hộ sinh, y sĩ sản nhi.

Công tác quản lý thai sản đã được quan tâm hơn trước. Số phụ nữ đẻ con có cán bộ y tế đỡ đẻ và số phụ nữ sinh nở tại cơ sở y tế ngày càng tăng. Công tác chăm sóc bà mẹ sau đẻ cũng được đẩy mạnh hơn, tỷ lệ phụ nữ có thai được quản lý chăm sóc, nếu năm 2000 chỉ chiếm 52,23% thì đến năm 2011 tăng lên 83,06%. Giảm đáng kể tỷ lệ bà mẹ đẻ tại nhà, tại nương rẫy, trên 90% bà mẹ đẻ tại cơ sở y tế được cán bộ y tế có chuyên môn kỹ thuật chăm sóc, đỡ đẻ. Đây là kết quả đáng khích lệ góp phần tích cực nâng cao chất lượng chăm sóc bà mẹ trẻ em, hạn chế tai biến sản khoa, giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, công tác chăm sóc SKSS, chăm sóc phụ nữ có thai vẫn còn những thiếu sót nhất định, làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dân số. Chất lượng chăm sóc phụ nữ trong quá trình thai sản chưa đạt yêu cầu, chăm sóc sau sinh, hướng dẫn cách cho con bú mẹ, cách nuôi con chưa đạt kết quả cao. Tại nhiều vùng dân cư vẫn còn xảy ra tình trạng kết hôn sớm, thời gian nghỉ đẻ ít, dinh dưỡng trong thời gian đẻ còn thiếu thốn. Nhận thức của nhân dân về chăm sóc SKSS nhìn chung còn thấp, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa chưa có thói quen đến các cơ sở y tế khám-chữa bệnh nói chung và khám phụ khoa, khám thai và sinh đẻ tại cơ sở y tế.

Tình trạng sinh đẻ tại nhà, tự đỡ đẻ, đẻ ngoài nương rẫy ở một bộ phận nhân dân vẫn còn diễn ra. Tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ mắc bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản vẫn còn ở mức cao. Thai phụ ở những vùng không thuận lợi luôn chịu sự thiếu hụt về các dịch vụ chăm sóc thai sản mà lẽ ra họ phải được hưởng và cần phải có. Điều đáng quan tâm là năm 2012 nguồn thuốc cấp cho chữa bệnh phụ khoa lại bị cắt giảm, vì thế sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ các cơ sở y tế trong việc chăm sóc SKSS.

Trao đổi với chúng tôi, bà Đinh H’Nghĩa-Chi cục trưởng Chi cục Dân số-KHHGĐ cho biết: Thời gian tới, ngành Dân số-KHHGĐ sẽ phối hợp với Bảo hiểm Xã hội để cấp thuốc từ nguồn khám-chữa bệnh cho người nghèo để có đủ cơ số thuốc khám-chữa bệnh. Bên cạnh đó, ngành sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền tư vấn để chị em phụ nữ có ý thức trong việc khám-chữa bệnh phụ khoa và chủ động chữa trị khi phát hiện bệnh. Để thực hiện tốt kế hoạch hành động về chiến lược dân số, SKSS giai đoạn 2011-2015, ngành sẽ tiếp tục xây dựng các mô hình điểm về thực hiện KHHGĐ và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Tập trung triển khai các loại hình cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ phù hợp với từng vùng. Chú ý đến việc đáp ứng nhu cầu dịch vụ đối với tuổi vị thành niên, thanh niên, lồng ghép hoạt động cung cấp dịch vụ KHHGĐ và phòng-chống HIV/AIDS.

Đinh Yến
 

Có thể bạn quan tâm