Tiếng chuông chùa trên quần đảo Trường Sa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đến thăm quần đảo Trường Sa, đoàn chúng tôi có 8 nhà sư. Các sư đã tình nguyện đến đây để cầu siêu cho các liệt sĩ và cầu cho quốc thái dân an…
Hôm ấy, trên đảo Song Tử Tây, bà con phật tử trên đảo cùng các nhà sư sắp lễ, tiếng chuông chùa gióng lên từng tiếng, từng tiếng theo gió và lan ra biển cả. Lòng người thành kính, không gian trầm mặc; tiếng mõ của Đại đức Thích Nguyên Thành và tiếng tụng kinh của các nhà sư… như tạo một không gian huyền ảo, mà rất đời.
Chùa Trường Sa lớn. Ảnh: Quốc Ninh
Trong không gian ấy, tôi ngạc nhiên khi thấy một phụ nữ tuổi chừng 30 lại là người gióng chuông khi đoàn chúng tôi đến lễ chùa. Chị là Nguyễn Thị Thúy Vân, đã lập gia đình và có một con trai 6 tuổi. Bà con trên đảo tín nhiệm cử chị làm người gióng chuông và trông coi chùa. Chuyện trò với chị, nghe chị tâm sự, mới thấy đức tin và tấm lòng của người dân trên đảo: “Ở đảo, cứ ngày rằm, ngày Tết, ngày lễ, nhất là ngày 27-7, mọi người đến chùa thắp hương cầu nguyện. Lễ ở đây cũng đơn giản, chỉ đĩa xôi, hoa quả tự trồng. Hoa quả đôi khi không chín đúng ngày rằm, nên đôi khi mâm quả cũng chỉ là đu đủ, chuối xanh. Tuy vậy, trong tâm tưởng chúng tôi lại rất bình yên…”. Hễ ai đến thắp hương, chị vẫn thường có mặt và là người gióng chuông, bà con và bộ đội trên đảo đã thuộc tiếng chuông ngân mỗi khi bình minh hay chiều về trên đảo…
Còn nhớ, khi mới đặt chân đến cổng tam quan của chùa Song Tử Tây, không nén được sự ngạc nhiên, Đại đức Thích Thành Nam- trụ trì một ngôi chùa ở Bắc Giang đã thốt lên: Chùa đẹp và khang trang quá. Khi thụ lễ xong, Đại đức Thích Minh Triết tu tại chùa ở Hải Phòng, đã gọi ngay điện thoại về đất liền khoe: “Thưa… con thật xúc động và tự hào! Ở Trường Sa có chùa thật lớn… nếu được phép bề trên con sẵn sàng trở lại đây để hương khói nơi cửa Phật Trường Sa…”.
Lễ cầu siêu ở chùa Song Tử Tây. Ảnh: Quốc Ninh
Trong 3 ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa, tôi may mắn đã được đến vãn cảnh và thắp hương vái Phật ở hai nơi. Chỉ tiếc là chưa được đến thăm chùa ở đảo Sinh Tồn. Nhiều người đến đây đã nhận xét: Sự hiện diện của các chùa trên các đảo và những câu hoành phi, câu đối đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa thân yêu, một phần máu thịt của Tổ quốc.
Tượng Phật ở đây đều được tạc bằng đá quý, mỗi pho nặng cả tấn; chùa nào cũng có các câu hoành phi và câu đối được viết bằng chữ quốc ngữ nói về vẻ đẹp, trí tuệ Việt Nam và khẳng định chủ quyền của đất nước, như câu đối: Uy quyền biển đảo cổ vẫn truyền/Chùa Phật Trường Sa nay còn tỏ.
Ngày Phật đản- Phật lịch 2555 nhớ về những ngôi chùa và phật tử ở huyện đảo Trường Sa, nhớ tiếng chuông chùa nơi biển đảo…
Quốc Ninh

Có thể bạn quan tâm