"Tiếng hát tình đời...": Nhân lên niềm tin phục thiện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau 15 năm, Hội diễn “Tiếng hát tình đời phạm nhân, trại viên”- cuộc thi đặc biệt dành cho những người đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam trên khắp cả nước được tổ chức. Đối với các phạm nhân, đây thật sự là một ngày hội lớn nhân lên niềm tin quyết tâm phục thiện.
Trong hai ngày (16 và 17-8), tại Trại giam Gia Trung- Bộ Công an, Tổng cục Thi hành án Hình sự và Hỗ trợ tư pháp-Bộ Công an đã tổ chức Hội diễn “Tiếng hát tình đời” lần thứ II với sự tham gia của 8 đội văn nghệ trại giam và cơ sở giáo dục gồm: Gia Trung, Đak Trung, Đak Tân, Sông Cái, Xuân Phước, Kim Sơn, A1, A2.
Ảnh: Trung Vĩnh
Ảnh: Trung Vĩnh
Nếu Hội diễn không diễn ra trong trại giam và phần lớn khán giả là những người phạm nhân và giám thị, quản giáo thì có lẽ chúng tôi không nghĩ rằng những người đứng trên sân khấu là những phạm nhân đã từng một thời lầm lỡ. Dưới ánh đèn sân khấu rực rỡ là những trang phục lộng lẫy với những tiết mục ca nhạc, kịch, hòa tấu nhạc cụ dân tộc, ghi ta, trống,... Đến với hội thi lần này, hầu hết các đơn vị tham gia đều có sự đầu tư, chuẩn bị nghiêm túc và rất chuyên nghiệp. Và dường như đã lâu lắm rồi, những phạm nhân mới có dịp  trở lại cuộc sống đời thường khi được khoác trên mình những bộ “cánh” rực rỡ.

Điểm nhấn đáng chú ý là sự xuất hiện nhiều tiểu phẩm kịch, bài hát do chính giám thị và phạm nhân sáng tác, biểu diễn. Trao đổi với các giám thị, chúng tôi được biết, không khí hân hoan chờ đợi cuộc thi này đã cháy âm ỉ trong lòng những phạm nhân từ nhiều tháng nay.
Với tư cách là đơn vị chủ nhà, những phạm nhân Trại giam Gia Trung đã trình diễn một chương trình vô cùng đặc sắc. Tất cả thành viên ban nhạc đều là phạm nhân. Sau hai ca khúc sôi động mở màn, khán thính giả hòa trong giai điệu du dương của ca khúc “Dấu chấm hỏi” do một giám thị của trại sáng tác và một phạm nhân biểu diễn. Bài hát đã khơi dậy lòng quyết tâm vượt qua khó khăn của các phạm nhân khi có tình yêu thương của cán bộ quản giáo và sự rộng mở của xã hội đón họ về với đời thường. Rồi cả hội trường như bị đốt cháy vì màn biểu diễn phối khí bằng trống trận, đàn T’rưng và nhiều nhạc cụ Tây Nguyên với “Dòng máu Lạc Hồng”. Trước khi Hội diễn khai mạc, không một ai dám nghĩ rằng lại được thưởng thức một màn biểu diễn chuyên nghiệp và hoành tráng đến như vậy.
Tôi vô tình ghi hình cảnh phạm nhân Nguyễn Duy Quang ngồi tỉ tê tâm sự với mẹ mình. Và chính phạm nhân này lại là người thể hiện bài hát “Dấu chấm hỏi”. Khi bài này cất lên, phía dưới bỗng nấc lên tiếng khóc lay động của mẹ phạm nhân.
Kết thúc đêm diễn, Thượng tá Nguyễn Bá Thăng-Phó Giám thị Trại giam Gia Trung nhận xét: “Có lẽ hàng trăm ngàn bài giảng của giám thị cũng không hiệu quả bằng chương trình hôm nay”. Quả vậy, phạm nhân Nguyễn Thị Đoan Trang (án 15 năm tù)-Trại giam Đak Trung tâm sự: “Được xem chương trình, tôi cũng như nhiều đồng phạm đã phải nghẹn đi vì xúc động. Bởi lẽ có nằm mơ chúng tôi cũng không nghĩ rằng trong suốt quá trình thi hành án mình lại có cơ hội trở lại đời thường khi khoác lên mình những chiếc áo dài xinh xắn. Khi đó, phạm nhân như được trút bỏ sự mặc cảm vì những lầm lỡ, thay vào đó là một niềm tin mạnh mẽ vào ngày mai tươi sáng, quyết tâm cải tạo tốt nhất để bù lại những lầm lỡ của mình để mong được hưởng đặc xá, sớm hòa nhập với xã hội làm lại cuộc đời…”.
Trung Vĩnh

Có thể bạn quan tâm