Tiếng vọng của thời gian-Kỳ cuối: Xóm cũ năm xưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những con hẻm nhỏ, sâu hun hút trên các tuyến đường: Hùng Vương, Thống Nhất, Phan Đình Phùng chứa bao kỷ niệm với người dân Phố núi. Pleiku của tôi là vậy. Chính những điều tưởng chừng như nhỏ nhoi ấy vẫn bám lấy ký ức để tôi mãi mãi trân trọng những gì của hôm nay.

Cuối năm 1988, gia đình tôi chuyển nhà đến đường Huỳnh Thúc Kháng, đoạn nối từ đường Đinh Tiên Hoàng sang Nguyễn Trãi. Xóm mới tôi chuyển đến ở bấy giờ không được nhiều người biết như: xóm Gà Cồ, Chợ Nhỏ, Lò Bò... Đoạn đường này hơi dốc, đầu đường ngay ngã tư phía Đinh Tiên Hoàng vẫn còn um tùm những bụi dã quỳ, cứ đến tháng cuối năm nở hoa vàng rực. Mặt đường đã nhỏ lại chỉ rải đá 4x6 cm nên gồ ghề, lởm chởm, rất khó đi. Hai bên đường chưa xây dựng hệ thống cống nên mưa xuống là nước chảy như suối, đã vậy mùa khô nhiều nhà đổ nước tràn ra đường lênh láng.

Đường Huỳnh Thúc Kháng, đoạn nối từ đường Đinh Tiên Hoàng sang đường Nguyễn Trãi ngày nay. Ảnh: Minh Huệ


Đời sống của cư dân trong xóm còn khá nghèo. Nhà ở phần lớn là nhà cấp 4 lợp tôn, xây dựng đã 30-40 năm, hầu hết đều thụt vào trong, phía trước có một khoảng sân khá rộng, rào sơ sài bằng dây kẽm gai. Nhà làm đã lâu năm nên thỉnh thoảng gia chủ lại phải trèo lên kiểm tra, đốt miếng xốp cho nhểu lên các lỗ đinh trên mái tôn hoặc có điều kiện hơn thì phủ thêm giấy dầu tránh dột nước mùa mưa. Giấy dầu do Liên Xô sản xuất lúc đó rất thông dụng, nhà thì dùng lợp mái, nhà thì thưng vách, lợp chuồng heo. Sát bên nhà tôi là nhà hai vợ chồng anh Th, chồng làm thợ sửa xe đạp còn vợ 4-5 giờ sáng đã lên dốc làng Yut mua rau quả của đồng bào trong làng đi chợ sớm, bán lại tại chợ Mới. Tiếp đó là gia đình chú M. Chú M. trước bán vé xe ở bến xe liên tỉnh, vợ mở quán bán hàng ở trước nhà, chủ yếu là tạo việc làm cho cô con gái đã lớn nhưng bị liệt 2 chân. Sáng nào cũng thế, 2 vợ chồng chú thay nhau bế con từ trong nhà ra quán, rồi pha vài ly cà phê cho khách. Khách cũng không ai xa lạ, quanh quẩn mấy người hàng xóm sáng sớm sang uống ly cà phê rồi đi làm. Tiếp đến là nhà anh H, tức võ sư K.A, trước 1975 khá nổi tiếng ở Pleiku bởi anh từng thượng đài đấu võ khắp nơi và nguyên là học trò của cố võ sư có biệt danh “hùm xám miền Trung” Hà Trọng Sơn. Những năm này, anh không còn dạy võ nữa, mà làm nghề xắt thuốc lá cho các đại lý, vợ bán hàng tạp hóa ở đường Nguyễn Thiện Thuật. Bên trái nhà tôi là nhà chú G, cả 2 vợ chồng đều đã về hưu, cũng đặt hũ kẹo, hộp bánh trên chiếc bàn nhỏ bày bán ở phía trước nhà. Tiếp đó là gia đình anh Hai V. có xe khách chạy tuyến Pleiku-Sài Gòn, cứ 2 ngày là xe về, các xe nhỏ đến nhận hàng nổ máy ầm ĩ cả xóm. Bên kia đường là nhà anh Ch. làm nghề may, anh thuê thêm vài thợ may gia công ở nhà, chủ yếu là bỏ hàng chợ. Rồi đến nhà anh L.H. có chiếc xe tải Kamaz, nhà ông X. cán bộ Tòa án cũng đã nghỉ hưu, nhà anh chị T. chưa đến 40 tuổi đã có 5 con lớn nhỏ như trứng vịt, trứng gà...

Cả xóm chỉ được 4 nhà có ti vi, loại ti vi 14 inch đen trắng. Cần ăng ten lắp trên nóc nhà, lúc mất sóng lại nhờ thanh niên trong xóm trèo lên xoay. Hai đứa con tôi thi thoảng xin qua nhà ông G. hoặc ông X. xem ké chương trình “Những bông hoa nhỏ”. Buổi tối hầu như nhà nào cũng đóng cửa sớm. Tiếng rao đêm “Ai... hột vịt lộn không?” ngang qua xóm rồi cứ thế lan đi ít khi dừng vì cũng ít nhà mua.

Thời gian này, Pleiku vừa trải qua cơn sốt hụi mà chúng tôi cũng là nạn nhân nên cuộc sống vốn khó khăn lại càng thêm khó. Sáng nào tôi cũng đạp xe đạp đi khoảng 5 km qua 2 con dốc để lên trường. Cả trường chỉ có anh hiệu trưởng là có xe honda dame, còn lại đều đi xe đạp. Trưa về, buộc sau xe khi thì bó củi, khi quả mít, bó rau cải cúc học trò cho. Vợ tôi làm việc tại một cơ quan trong thị xã nhưng là công chức nên phải hết giờ hành chính mới được về, trưa nắng đạp xe lên con dốc lởm chởm đá muốn khụy cả chân. Hai con tôi học lớp 2 và lớp 1 đi học về sớm tự mở cổng, mở cửa vào nhà, chờ ba hoặc má về rồi bắc cơm. Vỡ hụi, lại nợ tiền mua nhà nên gia đình tôi bấy giờ lâm vào cảnh túng thiếu. Hầu như món điểm tâm chính luôn là cháo trắng, họa hoằn mới chuyển sang bánh hỏi ăn kèm chiếc bánh tráng nướng. Nhiều bữa, nhà thiếu gạo lại không có thức ăn, vợ tôi ngâm lon gạo để đi xay bột về đổ bánh bèo cả nhà ăn trừ cơm. Hoàn cảnh hàng xóm cũng không hơn gì, đời sống thiếu thốn chật vật, có nhà cứ vài ba bữa lại nghe to tiếng...

Thời gian sau, chúng tôi bán nhà chuyển đến nơi khác để làm vườn ươm cây giống, các con tôi học xong đều ở lại làm việc tại TP. Hồ Chí Minh và đã có gia đình riêng. Xóm cũ đã hoàn toàn khác trước, trở thành khu dân cư sầm uất. Đoạn đường dốc đá nay được mở rộng, rải nhựa, hệ thống cống thoát nước chạy hai bên. Hơn chục nhà đã lên 2-3 tầng, còn lại đều xây mới, nhiều nhà sắm ô tô. Anh Th. không còn sửa xe đạp, nay phụ vợ bán sạp hàng hoa quả trong chợ và đã lên chức ông nội. Chú M. đã mất, nhà bán cho người khác. Ông K.A. cũng thôi không xắt thuốc nữa. Chú G. chuyển đến ở nơi khác. Con trai anh Hai V. nối nghiệp cha nhưng có 2-3 chiếc xe khách cũng chạy tuyến Pleiku-TP. Hồ Chí Minh. Bên kia đường, anh L.H-một doanh nhân thành đạt ở Pleiku và đã chuyển chỗ ở, ông X. tòa án đã mất, anh T. cũng lên lão, các con anh đều đã trưởng thành...

Mới đó mà cũng đã hơn 30 năm rồi!

 

THANH PHONG