Kinh tế

Tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 27-6, Chính phủ họp phiên thường kỳ 6 tháng đầu năm 2013 theo hình thức truyền hình trực tuyến dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Về phía đầu cầu Gia Lai, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Đình Thu; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng, các Phó Chủ tịch và lãnh đạo các sở, ngành đã tham gia hội nghị.
 

Ảnh: Phương Linh
Ảnh: Kim Linh

Trong báo cáo về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra nhận định, kinh tế trong nước đang dần hồi phục, hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như các ngành, lĩnh vực khác đều đã có những chuyển biến tích cực, đúng hướng. 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 5,2% so với cùng kỳ. Sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,2% trong quý II, thấp hơn quý I (2,6%), trong đó: Nông nghiệp ước tăng 2,2%; lâm nghiệp ước tăng 5,7%; thủy sản ước tăng 2,5%. Bên cạnh đó, khu vực dịch vụ tiếp tục duy trì đà phát triển, có tốc độ tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước, 6 tháng đầu năm ước đạt 5,92%, cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2012 (5,29%). Tổng mức lưu bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý II ước tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2012, cao hơn mức tăng 11,7% của quý I.

Sau khi nghe các Bộ, ngành và địa phương thảo luận, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, ngoài việc ghi nhận những cố gắng, nỗ lực để phát triển kinh tế-xã hội, triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, nhất là thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và số 02/NQ-CP, các Nghị quyết và Chỉ thị khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần kiên định thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đi đôi với đó là phải thúc đẩy sự phát triển kinh tế, duy trì được đà tăng trưởng ở mức hợp lý, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 5,5% trong năm 2013. Tiếp tục điều hành giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý, phù hợp với diễn biến của lạm phát; tập trung tăng dư nợ tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ... yêu cầu đặt ra là phải đưa dư nợ tín dụng vào đúng chỗ.

Các Bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong thực hiện tái cơ cấu; hết sức quan tâm đến huy động đầu tư toàn xã hội, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển bằng các hình thức; tăng cường thu hút và giải ngân vốn FDI và ODA; chú trọng thực hiện các biện pháp đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; lưu ý thực hiện hiệu quả các phương án huy động vốn, giải ngân, giải phóng mặt bằng trong triển khai một số dự án giao thông trọng điểm quốc gia, đặc biệt là đối với các dự án mở rộng quốc lộ 1A; dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên (quốc lộ 14); dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm