(GLO)- Hưởng ứng phong trào “Tiết kiệm phụ cấp chiến sĩ” để ngày mai lập thân, lập nghiệp do Đoàn Thanh niên Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phát động, đến nay, sau gần 2 tháng, các đoàn viên thanh niên của Liên chi đoàn Tiểu đoàn Bộ binh 50 đã tiết kiệm được 230 triệu đồng. Tiết kiệm phụ cấp không chỉ rèn cho chiến sĩ ý thức tiết kiệm, biết quý trọng sức lao động mà còn là biện pháp tốt để đơn vị quản lý việc chấp hành và giữ vững tình hình kỷ luật của quân nhân.
Rèn ý thức tiết kiệm
Ảnh: Phương Dung |
Trước đây, khi phong trào tiết kiệm phụ cấp chưa được triển khai, cũng có một vài chiến sĩ đã tự tiết kiệm bằng nhiều hình thức khác nhau, có người hàng tháng trích ra một phần phụ cấp gửi cán bộ đại đội giữ giùm, có chiến sĩ cất riêng vào một ngăn ví “bí mật”… Trong số đó, phải kể đến chiến sĩ Đinh Tham. Vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, bố mất sớm, thương mẹ một mình phải bươn chải mưu sinh, nên hàng tháng, Đinh Tham đều cố gắng tiết kiệm khoảng 1 triệu đồng từ số tiền phụ cấp-gần 1,2 triệu đồng-đối với chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ trên khu vực biên giới và gửi cán bộ giữ hộ, khi nào có gia đình hoặc người trong làng lên thăm thì Tham gửi về phụ giúp gia đình. Tuy nhiên, trường hợp như Tham không phải là số nhiều, mà phần lớn chiến sĩ sau khi nhận phụ cấp đều chi tiêu hết… Với mục đích giáo dục cho chiến sĩ ý thức tự giác, biết cách sử dụng tiết kiệm, chi tiêu một cách hợp lý để san sẻ, giúp đỡ gia đình, đồng thời hoàn thiện đạo đức, lối sống của người quân nhân cách mạng, Đoàn Thanh niên Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã phát động phong trào tiết kiệm trên tinh thần tự nguyện, tự giác. Liên chi đoàn Tiểu đoàn Bộ binh 50 được chọn làm điểm vì có tỷ lệ đoàn viên thanh niên chiếm số lượng khá đông.
Theo đó, khi đoàn viên thanh niên tự nguyện đăng ký gửi tiền tiết kiệm, đơn vị phải quản lý số tiền, lập cho mỗi chiến sĩ sổ tiết kiệm tại ngân hàng và gửi theo từng tháng, quý… “Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, đơn vị cũng gặp phải một số khó khăn nhất định: một số chiến sĩ chưa có chứng minh nhân dân, mỗi khi đi gửi tiền hoặc rút tiền ở ngân hàng-chiến sĩ phải trực tiếp đi… Do đó, các chi đoàn đã thống nhất, thay vì lập sổ tiết kiệm cho từng chiến sĩ, mỗi chi đoàn sẽ lập danh sách, gồm: họ tên, cấp bậc, chức vụ và số tiền ký gửi hàng tháng, có chữ ký xác nhận của người gửi… và gửi tập trung”-Thượng úy Lê Bá Văn-Chính trị viên phó Tiểu đoàn 50, Bí thư Liên chi đoàn, cho biết.
Các chi đoàn đã vận động chiến sĩ tự nguyện tiết kiệm với mức gửi tối thiểu 300 ngàn đồng và tối đa 800 ngàn đồng/tháng/chiến sĩ (đây là mức gửi đã được đơn vị tính toán sau khi trừ đi các khoản chi phí sinh hoạt khác)… Hàng tháng, bộ phận tài chính của đơn vị sẽ trừ qua phụ cấp của chiến sĩ bằng đúng số tiền mà chiến sĩ đó đã đăng ký, sau đó đem gửi vào ngân hàng và thông báo lãi suất hàng tháng cho chiến sĩ biết. Trong trường hợp, một số chiến sĩ chuyển đi các đơn vị khác hoặc đi học tập ở các trường quân đội sẽ được thanh toán đầy đủ cả tiền gốc lẫn lãi và chiến sĩ ấy có thể tiếp tục gửi tiết kiệm tại đơn vị mới.
Vững tin lập nghiệp
Với hình thức tiết kiệm này, khi xuất ngũ, các chiến sĩ sẽ có được một khoản tiền kha khá để có thể giúp đỡ gia đình, cũng như phát triển kinh tế bản thân… Hàng tháng, nếu mỗi chiến sĩ tiết kiệm ở mức tối đa 800 ngàn đồng, cộng với số tiền hỗ trợ khi hoàn thành nghĩa vụ thì đến khi xuất ngũ, mỗi chiến sĩ sẽ có được số vốn gần 30 triệu đồng. Số tiền này cộng với một thẻ học nghề sẽ là hành trang, tiếp tục chấp cánh ước mơ cho nhiều chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn… Chiến sĩ Joát (Tiểu đội 9, Trung đội 9, Đại đội 3), tâm sự: “Nhà em có tới 10 anh chị em, ba anh chị lớn đã lập gia đình nhưng kinh tế cũng chỉ đủ ăn. Bố mẹ đã già yếu, 5 em nhỏ đều còn đến trường, trong nhà tất cả chỉ trông vào 5 sào mì và 1 sào lúa nương, mỗi năm thu hoạch có một vụ. Cứ đến khoảng tháng 8, tháng 9 hàng năm, gia đình em lại rơi vào tình cảnh thiếu hụt, vì vậy, em cố gắng tiết kiệm mong có thể phụ giúp cha mẹ bớt vất vả”. Cũng giống như Joát, Ale Hin, Nguyễn Phi Hưng… cũng là những chiến sĩ tự nguyện tiết kiệm ở mức tối đa-800 ngàn đồng. Chiến sĩ Ale Hin (Tiểu đội 9, Trung đội 3, Đại đội 1), chia sẻ: “Tiết kiệm rồi em vẫn còn hơn 300 ngàn đồng để chi tiêu lặt vặt trong tháng... Mẹ em mất rồi, chỉ còn có ba nhưng nay cũng đã già yếu. Em muốn tiết kiệm để sau này có thêm tiền trang trải cho việc học nghề, tự lo cho bản thân chứ không thể cứ mãi ỷ lại vào gia đình”.
Hầu hết các gia đình của các chiến sĩ khi biết được chủ trương này đều rất phấn khởi và hoàn toàn ủng hộ. Họ sẵn sàng phối hợp với đơn vị trong việc giáo dục đoàn viên thanh niên hạn chế chi tiêu vào những nội dung không cần thiết, tập trung hơn vào công tác huấn huyện, hoàn thành nhiệm vụ. Mặc dù mới triển khai thực hiện, song rõ ràng phong trào “Tiết kiệm phụ cấp” đã được 100% đoàn viên thanh niên hưởng ứng và mang lại hiệu quả thiết thực.
Phương Dung