(GLO)- Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp vào tháng 12-2015, trong 7 năm gần nhất, Tây Nguyên mất gần 360.000 ha rừng. Một thống kê khác cũng cho thấy, 30 năm qua, 1/3 diện tích rừng ở Tây Nguyên đã bị tàn phá với hơn 1,5 triệu ha khiến độ che phủ suy giảm, mất đi khả năng giữ nước.
Đó là sự tàn phá rừng tự nhiên lớn gấp nhiều lần so với mấy chục năm chiến tranh. Nó phá hoại nguồn nước ngầm-dưỡng chất nuôi sống Tây Nguyên-một cách khá rốt ráo. Vậy thì làm sao để giữ nước?
Ảnh minh họa |
Muốn giữ nước thì phải trồng rừng tự nhiên, chứ không phải trồng “các loài cây mọc nhanh, đơn loài, đơn tầng thì không có khả năng giữ nước” như nhận định của TS. Nguyễn Huy Dũng-Phó Viện trưởng Viện Điều tra và Quy hoạch rừng (Bộ Nông nghiệp và PTNT).
Không thể để Gia Lai từ chỗ mất rừng tới chỗ mất nguồn nước. Nếu Israel “đi từ không đến có”-từ chỗ đất đai là hoang mạc khô cằn tới đất đai canh tác nông nghiệp công nghệ cao-thì Tây Nguyên đang có nguy cơ “đi từ có đến không”, từ chỗ các nhà khoa học Việt Nam khẳng định: “Tây Nguyên không thiếu nước” tới thực tế “Tây Nguyên không còn (đủ) nước”, tất cả chỉ trong một bước ngắn.
Thực trạng là như vậy, ai cũng thấy. Nhưng muốn khắc phục thì trong khi cần một chiến lược trồng rừng tự nhiên trên toàn bộ đất rừng Tây Nguyên (điều không dễ dàng với thực trạng hiện nay), những biện pháp tưới nước tiết kiệm, tưới nước nhỏ giọt, tưới nước “kiểu Israel” là vô cùng cần thiết. Phải coi tài nguyên nước ở Tây Nguyên nói chung, ở Gia Lai nói riêng, không phải là vô tận, mà có thể cạn kiệt bất cứ lúc nào. Như một gia đình lao động biết chắt chiu những đồng tiền thu nhập của mình, chúng ta cũng phải đối xử với tài nguyên nước đúng như vậy.
Gia Lai có kế hoạch để tới năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu có 21.280 ha cây trồng được áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Thế thì phải tính, diện tích cây trồng chưa được tưới nước tiết kiệm là bao nhiêu, và phấn đấu tới năm nào thì diện tích cây trồng toàn tỉnh được tưới nước theo công nghệ tiết kiệm? Bởi, khi mà một số diện tích nơi này được tưới nước tiết kiệm, còn một số lớn diện tích nơi khác vẫn tưới nước theo kiểu cũ, thì không thể tiết kiệm được lượng nước ngầm vốn đã giảm sút qua từng năm.
Biến đổi khí hậu cho chúng ta một bài học: cần biết hết sức quý trọng tài nguyên thiên nhiên mình có, và đã để mất mát, hao hụt quá nhiều trong những năm qua. Nếu trong thời kỳ biến đổi khí hậu đã hiện hình quá rõ như thế này mà vẫn hành xử với tài nguyên thiên nhiên như trước nay vẫn vậy thì hậu quả sẽ khôn lường. Tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên có lẽ là bài học quý báu nhất mà người Israel có thể trao truyền cho chúng ta. Mà trong số tài nguyên thiên nhiên, thì ở thế kỷ 21 này, nước là loại tài nguyên đáng quý nhất, và dễ bị mất nhất. Vì vậy, tiết kiệm nước tưới tiêu với Tây Nguyên là chuyện “cần làm ngay”.
Muốn đưa kỹ thuật tân tiến về tưới nước, tiết kiệm tài nguyên nước của Israel tới Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng thì cách làm cũng quan trọng như là thiết bị kỹ thuật. Cần tập huấn một cách cặn kẽ và sâu rộng cho bà con các dân tộc Tây Nguyên, cần trợ giúp vốn để bà con có thể mua sắm thiết bị kỹ thuật và hướng dẫn cách sử dụng tốt nhất cho bà con. Đó cũng là việc làm thiết thực để đón trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tới trong một tương lai rất gần.
Thanh Thảo