Kinh tế

Tài chính

Tiểu vùng sông Mekong mở rộng thúc đẩy hợp tác toàn diện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày 11-12 tại Vientiane, thủ đô Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 19.
 

Đoàn Việt Nam tại hội nghị.

Tham dự hội nghị có các Bộ trưởng, đại diện các quốc gia thành viên GMS gồm Lào, Trung Quốc, Campuchia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam cùng lãnh đạo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương dẫn dầu.

Hội nghị đã thông qua Khung đầu tư cấp khu vực (RIF) với hơn 200 dự án trong 10 lĩnh vực nhằm tăng cường hơn nữa việc triển khai hiệu quả các dự án trong tiểu vùng, đảm bảo mỗi dự án trong Khung đầu tư phải có ít nhất hai nước tham gia để tăng tính kết nối.

Đây là khung đầu tư mang tính mở và sẽ được cập nhật bổ sung, điều chỉnh hàng năm, là cở sở định hướng để ADB kêu gọi các nhà tài trợ khác cho GMS.

Dự kiến Khung đầu tư cấp khu vực được dự trù khoảng 50-60 tỷ USD. Trong đó ADB cam kết khoảng 2-3 tỷ USD, phần còn lại do các đối tác phát triển và các thành phần kinh tế tư nhân hỗ trợ.

Ngoài ra hội nghị còn thảo luận nhiều lĩnh vực hợp tác trong thời gian tới của Tiểu vùng sông Mekong mở rộng.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo của nước chủ nhà, cảm ơn sự giúp đỡ quý báu của ADB với chương trình hợp tác kinh tế Tiểu vùng Mekong trong suốt 20 năm qua và nhấn mạnh việc Khung đầu tư cấp khu vực được thông qua là dấu mốc quan trọng trong khuôn khổ hợp tác GMS giai đoàn 2012-2022 và đề nghị các bên tăng cường hợp tác để GMS có tính liên kết chặt chẽ hơn.

Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các nước Tiểu vùng sông Mekong mở rộng cũng như các đối tác phát triển, khối tư nhân cũng như các bên liên quan để đạt được tầm nhìn và mục tiêu của GMS.

Hội nghị đã ra tuyên bố chung khẳng định việc thúc đẩy hợp tác Tiểu vùng sông Mekong mở rộng có ý nghĩa quan trọng đối với kinh tế của khu vực và thế giới. Khung đầu tư cấp khu vực là kế hoạch chiến lược, là kim chỉ nam đối với sự phát triển GMS.

Các nước thành viên GMS sẽ tăng cường quan hệ với các đối tác phát triển, tiếp tục thực hiện mục tiêu chung về phát triển bền vững và toàn diện đối với Tiểu vùng sông Mekong mở rộng.

Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm