Tìm huỳnh đàn bên bờ sông Ba

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Giữa cái nắng như đổ lửa, thiêu rát bãi cát bồi hai bên bờ sông Ba thuộc làng Kdar (xã Krong, huyện Kbang), một vài phụ nữ đang cần mẫn đào bới, lâu lâu họ lại ném vào trong chiếc thùng nhựa đặt bên cạnh một mẩu gỗ nhỏ…

Cơn lũ tháng 11 vừa qua đã để lại hai bên bờ sông Ba đoạn đi qua xã Krong một lớp cát bồi trắng xóa. Bị kéo theo từ rừng thượng nguồn và chôn vùi trong lớp cát ấy là hàng trăm mảnh thân, rễ huỳnh đàn mục còn sót lại. Nhiều người dân ở đây cho biết, khi lũ mới rút, hàng trăm người dân đã đổ xô ra dọc theo bờ sông để đào huỳnh đàn, có nhiều người lần theo lên tận trên rừng đầu nguồn để tìm kiếm.
 

Người dân tìm kiếm những mảnh huỳnh đàn còn sót lại. Ảnh: P.V

Dụng cụ để đào huỳnh đàn chỉ với một chiếc xẻng nhỏ và chiếc thùng hoặc gùi. Trong hàng trăm người dân đào huỳnh đàn bên bờ sông có gia đình chị Đinh Thị Lanh (làng Kdar, xã Krong, huyện Kbang). Tình cờ đào được một cục gỗ huỳnh đàn nặng gần 2 kg, vợ chồng chị Lanh đem bán được 10 triệu đồng. Hy vọng sẽ gặp may một lần nữa, tranh thủ lúc rảnh rỗi, hai vợ chồng lại thay nhau ra đào bới. Vì vậy, mặc dù số lượng huỳnh đàn ngày càng vơi dần và cũng không còn nhiều người đi đào, chị Lanh vẫn chẳng quản cái nắng đến cháy lưng cặm cụi đào bới trên bãi cát.

Chị Lanh chia sẻ: “Mỗi ngày trung bình mình đào được từ 1 lạng đến 2 lạng, ngày nào gặp may thì được nhiều hơn. Mỗi lạng mình bán được khoảng 150.000 đồng, ngày nhiều thì được khoảng 400.000 đồng”.

Tương tự, chị Đinh Thị Xoang (làng Ktar, xã Krong) cũng tranh thủ đào tìm những mảnh huỳnh đàn còn sót lại nhỏ xíu để có thêm thu nhập. Chỉ tay vào chiếc gùi bên cạnh, phía trong có khoảng 10 mảnh gỗ nhỏ nằm lọt thỏm dưới đáy, chị nói: “Mỗi ngày tôi đào được khoảng 20 mảnh nhỏ huỳnh đàn, bán được khoảng 200.000 đồng. Cũng chỉ tranh thủ những lúc rảnh rỗi, khi không phải lên nương lên rẫy thì mới ra đào, chứ bây giờ cũng hết rồi, đào được ít lắm mà lại mất công”.

Ông Ngụy Khắc Nông-Phó Chủ tịch UBND xã Krong (huyện Kbang) cho biết: Đúng là sau khi lũ rút, đông đảo người dân ở các làng ven sông đã đổ xô ra đào những mảnh gỗ huỳnh đàn trôi về và lẫn trong đất cát. Số lượng không nhiều nhưng vì vẫn có người hỏi mua nên một số người dân vẫn tranh thủ lúc việc nông nhàn đi đào để bán kiếm thêm tiền.

Được biết, khu rừng đầu nguồn sông Ba thuộc phạm vi quản lý của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Krông Pa. Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Đức Giáo-Giám đốc Công ty khẳng định: Chắc chắn là huỳnh đàn không còn trong rừng nữa. Nếu có chỉ là những cành nhánh mục nằm lẫn trong đất qua mỗi lần khai thác. Gặp mưa lũ nên trôi về và nằm lẫn dọc hai bên bờ sông nên người dân mới đi đào để nhặt nhạnh những mẩu nhỏ ấy. Còn tuyệt đối không có chuyện người dân vào tận rừng để đào huỳnh đàn.

Phương Vy

Có thể bạn quan tâm