Kinh tế

Tìm vốn cho nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chương trình xây dựng nông thôn mới đang được nhân rộng ra cả nước sau khi triển khai thành công tại 11 xã điểm. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay lại là câu chuyện về tìm nguồn vốn ở đâu và như thế nào bởi từ thực tế 11 xã điểm, nguồn lực để xây dựng nông thôn mới có tới 80% dựa vào tiền ngân sách.

Vẫn dựa vào ngân sách

Theo Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới Trung ương, trong thời gian qua, chương trình xây dựng nông thôn mới ở 11 xã điểm do Ban Bí thư chọn và các xã nhân rộng do địa phương chọn vẫn chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước để thực hiện các công trình, hạng mục có liên quan tới 19 tiêu chí nông thôn mới. Theo tính toán, tỷ lệ vốn từ ngân sách nhà nước chiếm tới trên 80%, còn lại phần do người dân đóng góp và huy động của doanh nghiệp mới chỉ chiếm 20%.

Nông dân nuôi bò sữa tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi.

Chẳng hạn như xã miền núi Thanh Chăn (Điện Biên), đến nay tổng nguồn vốn đã huy động được để triển khai các công trình, dự án là 91,5 tỷ đồng thì trong đó, vốn ngân sách Trung ương chiếm tới 73,7 tỷ đồng (80,5%). Thanh Chăn cũng là xã được ngân sách Trung ương rót nhiều tiền nhất để triển khai các dự án nông thôn mới.

Tương tự, xã Thụy Hương (Hà Nội) đã huy động được 65,4 tỷ đồng, trong đó có tới 85,2% là ngân sách nhà nước rót xuống, trong đó bao gồm cả tiền từ ngân sách Trung ương và Hà Nội để thi công các công trình như đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa, trồng rau sạch… Ở phía Nam, xã Định Hòa thuộc huyện Gò Quao (Kiên Giang) mặc dù hiện đã huy động được tổng lực là 143,5 tỷ đồng nhưng phần ngân sách vẫn chiếm gần 70%... Riêng tại xã Tân Thông Hội (TP. HCM), việc huy động các nguồn lực của xã hội để xây dựng nông thôn mới khá sôi động. Trong đó, bên cạnh sự vào cuộc của gần 150 doanh nghiệp còn có cả phần của người dân đóng góp thông qua hình thức hiến đất làm đường, xây dựng các công trình công cộng.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí, để triển khai các tiêu chí nông thôn mới, cần phải có đủ nguồn lực nhưng khi bắt tay thực hiện, nhân ra diện rộng, nhiều xã đang gặp khó khăn trước câu hỏi huy động nguồn lực từ đâu. Còn theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, Phó trưởng Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới Trung ương, đây là chương trình do chính người dân và các địa phương thực hiện nên khi triển khai ra diện rộng, cần phải đa dạng hóa nguồn vốn huy động, không thể thụ động trông chờ nguồn vốn rót từ ngân sách.

Tuy nhiên hiện nay, nguồn vốn huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức xã hội và người dân còn rất ít. Tính đến nay, cả 11 xã điểm xây dựng nông thôn mới mới huy động được 119,216 tỷ đồng từ doanh nghiệp, chiếm 6,4% tổng vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, một nguồn khá quan trọng là đóng góp của người dân nhưng cũng còn rất hạn chế, mới chiếm khoảng 14% tổng nguồn vốn huy động.

Nguyên nhân là do việc tuyên truyền vận động người dân tham gia đóng góp tự nguyện để xây dựng quê hương ở các địa phương còn nhiều hạn chế. Năng lực quản lý tài chính đầu tư xây dựng của các xã nhìn chung còn yếu. Nhiều quy định trong chính sách thu hút đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện đang tồn tại một số bất cập. Trong khi đó, nhiều địa phương chưa nhận thức đầy đủ được các nội dung của xây dựng nông thôn mới. Bởi vậy, khi tính toán triển khai đề án nông thôn mới đa phần đều thể hiện là dự án đầu tư xây dựng cơ bản chứ chưa bố trí vốn cho hình thức sản xuất nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, nên chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp và chính người dân nhiệt tình tham gia.

 

Cần đa dạng hóa nguồn đầu tư

Trong khi đó, theo Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới Trung ương, trong cả giai đoạn 2011-2015, nguồn lực để bố trí cho Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới dự kiến chỉ khoảng 12.000 tỷ đồng, tức là mới chỉ đáp ứng được khoảng 11% nhu cầu vốn cho chương trình xây dựng nông thôn mới trong cả nước. Như vậy rõ ràng không tổ chức đa dạng hóa nguồn huy động thì không thể triển khai thành công các chỉ tiêu về nông thôn mới.

Mặt khác, ngay từ khi triển khai thí điểm tại 11 xã, Ban Bí thư đã xác định chủ trương để xây dựng nông thôn mới là chủ yếu dựa vào nội lực của cộng đồng, còn nhà nước chỉ hỗ trợ một phần. Theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Cao Viết Sinh, cứ với tình hình 70% vốn để xây dựng nông thôn mới là từ ngân sách nhà nước và 30% là xã hội hóa như hiện nay thì không thể triển khai trên diện rộng. Vì vậy, không nên quy định rõ việc ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ 100% hay 70% như hiện nay, vì dễ gây tâm lý ỷ lại, trông chờ vào tiền ngân sách, tư duy theo kiểu “dự án”, cộng đồng dân cư cũng cho rằng đó là việc của chính quyền nên không tham gia đóng góp. Còn Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí đề xuất, cần giao cho UBND các tỉnh, thành phố căn cứ tình hình thực tế của địa phương để chủ động về tỷ trọng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách cho các dự án nông thôn mới, thay vì nhà nước quy định các mức đầu tư, hỗ trợ cụ thể cho các công trình nông thôn mới.

Bộ NN-PTNT cho rằng, chỉ ưu tiên hỗ trợ các xã thuộc 5 huyện và 6 tỉnh điểm theo mức tăng 25% so với mức bình quân chung. Riêng 4 địa phương là Hà Nội, TP. HCM, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu do tự cân đối được vốn nên không hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương. Cần tập trung vốn cho các dự án phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân và thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư. Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác quốc tế, kêu gọi hỗ trợ từ nguồn vốn ODA để thực hiện chương trình.

Theo SGGP

Có thể bạn quan tâm