(GLO)- Với mục tiêu không để một học sinh-sinh viên nào đỗ đại học, cao đẳng, trung cấp phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí, ngay từ khi bắt đầu chương trình tín dụng đối với học sinh-sinh viên được xác định có tầm ảnh hưởng rộng lớn trong xã hội, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế-xóa đói giảm nghèo và chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước...
Chương trình tín dụng đối với học sinh-sinh viên (HSSV) được thực hiện theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Ngay từ khi được triển khai, chương trình đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội bởi mục tiêu đậm chất nhân văn, cũng như đối tượng thụ hưởng mở rộng bao gồm hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn đột xuất về tài chính, HSSV mồ côi, lao động nông thôn đi học nghề, bộ đội xuất ngũ. Sau gần 9 năm thực hiện (2007-2015), tổng dư nợ của chương trình trên toàn quốc đạt gần 25 ngàn tỷ đồng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của đối tượng thụ hưởng theo quy định. Chương trình này đã giúp cho hơn 3,2 triệu lượt HSSV được vay vốn trang trải chi phí học tập. Tính đến thời điểm hiện nay, đang còn 1,1 triệu hộ gia đình còn dư nợ tại Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam với 1,3 triệu HSSV vay vốn đi học.
Giao dịch tín dụng chính sách tại xã An Thành, huyện Đak Pơ. Ảnh: S.C |
Trên địa bàn Gia Lai, tín dụng đối với HSSV có quy mô và tốc độ tăng trưởng nhanh, mang lại hiệu quả thiết thực khi đáp ứng nhu cầu-nguyện vọng chính đáng của hàng ngàn hộ vay, tạo điều kiện tài chính cũng như mở ra cơ hội học tập cho tất cả HSSV, nhất là con em gia đình nghèo và gia đình chính sách khác. Giai đoạn 2007-2012, đã có 31.921 HSSV từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh được vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam-Chi nhánh tỉnh, với tổng số tiền vay là 606,9 tỷ đồng. Trong đó, có 19.800 HSSV đã tốt nghiệp ra trường và có 84,7% HSSV tốt nghiệp đã có việc làm ổn định. Đặc biệt, trong giai đoạn này đã có 2.287 hộ dân tộc thiểu số vay vốn với số tiền 38,9 tỷ đồng, mặc dù chỉ chiếm tỷ lệ 7%/tổng dư nợ và 8,8% số hộ vay vốn nhưng điều này thật đáng ghi nhận bởi tinh thần tự lực và nỗ lực vươn lên trong cuộc sống bà con dân tộc thiểu số, đồng thời hiệu quả xã hội lan tỏa từ chính nội hàm của chương trình.
Theo kết quả khảo sát thực tế tại một số tỉnh, thành phố năm học 2014-2015, mức cho vay 1,1 triệu đồng/tháng mới chỉ đáp ứng được khoảng 31,4%-37% nhu cầu chi phí học tập của HSSV. Do đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo Bộ Tài chính xem xét, tính toán khả năng tài chính phương án điều chỉnh mức cho vay từ 1,1 triệu đồng/tháng/HSSV lên 1,25 triệu đồng/tháng/HSSV. |
Cũng từ chương trình này, rất nhiều HSSV đã thể hiện tinh thần chia sẻ khó khăn, cộng đồng trách nhiệm với gia đình mình ngay sau khi hoàn thành chương trình học. Đơn cử như gia đình bà Huỳnh Thị Nga (tổ 1, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) là một hộ vay chương trình HSSV với số tiền 34 triệu đồng. Nhờ nguồn tài chính này hỗ trợ, con gái bà đã có điều kiện theo đuổi 4 năm học chuyên ngành Tài chính-Kế toán tại Đại học Quy Nhơn. Điều khiến bà Nga an tâm nhất là bên Ngân hàng Chính sách Xã hội luôn giải ngân vốn đúng thời điểm đóng học phí mỗi kỳ và mức vay thay đổi khi mức học phí gia tăng, đồng thời có thêm 1 năm ân hạn để HSSV tìm việc làm. Bắt đầu vào năm 2016 này, con bà sẽ giúp mẹ trả bớt số tiền vay ngân hàng khi tìm được công việc mới ổn định.
Hiện nay, chương trình tín dụng HSSV chiếm 15,5%/tổng dư nợ và là một trong 5 chương trình có quy mô tín dụng lớn nhất. Trong năm 2015 vừa qua, doanh số cho vay HSSV đạt hơn 49 tỷ đồng/4.500 lượt vay nhưng doanh số thu nợ đạt tới 120 tỷ đồng; tổng dư nợ toàn tỉnh đạt 481,6 tỷ đồng/20.807 khách hàng dư nợ.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Đình Lý-Trưởng phòng Kế hoạch Nghiệp vụ (Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam-Chi nhánh tỉnh), tín dụng dành cho HSSV thực sự đã phát huy hiệu quả khi tỷ lệ thu lãi, thu nợ luôn đạt cao trong những năm qua. Đặc biệt, năm 2015 Ngân hàng phải thoái lãi hơn 4 tỷ đồng cho những hộ vay đã trả nợ trước hạn, tổng dư nợ của chương trình giảm 70 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Điều này cho thấy, nhờ cấp ủy, chính quyền địa phương và Ngân hàng đã làm tốt công tác tuyên truyền vận động ngay tuyến cơ sở nên hộ vay đã nâng cao ý thức, cộng đồng trách nhiệm. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra-giám sát làm rất chặt chẽ từ khâu cho vay, sử dụng vốn vay nên đã góp phần nâng cao chất lượng tín dụng. Một điều đáng nói là chính sách thoái lãi, giảm lãi đã khuyến khích rất nhiều hộ vay chủ động trả nợ trước hạn, bởi số tiền gốc trả nợ trước hạn và số ngày trả nợ trước hạn càng cao thì tương ứng với tiền lãi được giảm.
Sơn Ca