Phóng sự - Ký sự

Tình đắng dưới chân núi Ngọc Linh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tuyến đường Ngọc Hoàng-Măng Bút-Tu Mơ Rông-Ngọc Linh (tỉnh Kon Tum) được mở đã kết nối các ngôi làng Xê Đăng trong thung lũng mây mù ra ánh sáng. Để thi công con đường này, hàng ngàn công nhân từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung đã được huy động. Nhưng cũng chính từ đây, những bi kịch dưới chân núi được bắt đầu.

Tháng 9-2014, làng Chung Tam (xã Măng Ri, Tu Mơ Rông) chứng kiến vụ phạt vạ đau lòng: Y.D.-cô gái Xê Đăng mới tròn 18 tuổi vì lén lút quan hệ với một công nhân cầu đường mà đã phải ra giữa làng chịu phạt.

Bởi tin lời thề…

Tôi tìm đến làng Chung Tam để gặp cô gái Xê Đăng có tên là Y.D. vừa bị làng đưa ra giữa sân nhà rông để phạt vạ nhưng D. không có ở nhà. Túp lều của D. nằm chênh vênh bên con đường vừa mới mở, cao hun hút, gió thốc vào buồn hiu. Bố mẹ D. không buồn nhìn ra, mặt buồn rười rượi. Suốt hai tuần nay, D, đã vắng mặt ở làng, cô khăn gói ra Bắc để tìm người yêu. Ở làng Chung Tam, D. không sắc sảo nhưng lại có nhiều người con trai Xê Đăng theo đuổi. D. chẳng yêu ai, cứ sống hồn nhiên như cây lúa, ngọn rau trên triền núi.

 

Làng Chung Tam và Ngọc Na-xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông) nơi diễn ra bi kịch của các cô gái Xê Đăng. Ảnh: B.D

Nhưng D. không ngây thơ mãi được. Năm 2013, đội công nhân từ ngoài phố đến làng Chung Tam. Họ làm đường trên một đỉnh núi cao, suốt ngày tiếng ầm ì của cưa máy xẻ gỗ, rồi tiếng công nhân xì xầm trên núi. Nhiều lần đi qua những căn lán trại ấy, D. đã quen được một người con trai tên Bắc. Bắc quê ở tận Hải Dương vào đi làm công nhân. Hai người lấy số điện thoại của nhau, rồi những đêm sau đó Bắc vào làng, đợi D. để gặp nói chuyện. Chuyện hẹn hò cũng chỉ đơn giản, trăng sao vậy mà ngờ đâu cô gái Xê Đăng ở độ tuổi 18 đã yêu hết gan ruột mình, từ lúc nào chẳng hay. D. nghĩ rằng Bắc cũng thương D. thật lòng, làm xong đường rồi anh sẽ ở lại xin làng làm lễ cúng, làm rể của người Xê Đăng. Nhưng thâm tâm Bắc thì không hề vậy. Bắc đang toan tính một điều khác. Những đêm rừng núi lặng yên, D. đã bỏ con trai trong làng để ra bìa rừng hẹn hò với Bắc. Rồi chuyện đến tai dân làng. Chuyện lớn, cả làng kéo đến bắt nhà D. phạt vạ một con heo, một con gà để làm lễ cúng tạ tội. D. khóc hết nước mắt, đứng đơn độc giữa làng để đợi Bắc tới nhưng đợi mãi chẳng thấy. Gọi điện không liên lạc được. Lên lán tìm, Bắc cũng đã bỏ việc đi về quê. “Hai ba tuần nay không thấy nó về nhà, nó nói là ra tận Hải Dương để tìm người yêu nhưng ra đến nơi thì không có người nào như Bắc cả. Mình nói nó “thôi con về đi, nó lừa con rồi” thì nó kêu là “con không dám về làng nữa, xấu hổ lắm”-mẹ Y.D. nói trong nước mắt.
 

Tuyến đường “khai sáng”

Tuyến đường Ngọc Hoàng-Măng Bút-Tu Mơ Rông-Ngọc Linh có tổng chiều dài 59 km nối liền các huyện heo hút giữa dãy núi Ngọc Linh. Đây được coi là “con đường khai sáng” giúp kết nối và giải phóng giao thông cả một vùng Xê Đăng rộng lớn với trung tâm các huyện. Để thi công tuyến đường này, công nhân từ các tỉnh thành đã được huy động, bám trụ rừng núi từ năm 2009 cho đến nay.

 

Bi kịch nối tiếp những bi kịch

Nhưng Y.D. không phải là cô gái Xê Đăng duy nhất ở xã Măng Ri sớm chịu cảnh ngang trái với những công nhân cầu đường. Tôi chú ý đến một đứa trẻ có làn da trắng, khuôn mặt sáng sủa hệt như trẻ người Kinh nhưng lại nói tiếng Xê Đăng khi đùa với đám bạn bên đụn đất ở triền dốc. Đó là A.H.-đứa con trai của Y.V. Đứa con trai vừa lên 6 tuổi của Y.V cũng là kết quả của một cuộc tình đầy đau đớn như bao cô cái Xê Đăng khác dưới chân núi Ngọc Linh. Y.V. cúi gằm mặt lấy cành cây vẽ lên nền đất, nước mắt lã chã rơi xuống đất khi nhắc về bố đứa trẻ: “Thỉnh thoảng anh ấy có về đây thăm con nhưng hầu hết là ban đêm”-Y.V. giọng hờn tủi.

 

Y.V. cho biết suốt 6 năm nay, đứa con trai của V. gần như chỉ biết cha mình tên là “A Hào” trong bóng tối, trong những đêm lội rừng về thăm mẹ con. V. quen Hào năm 2007, khi đó anh lên làm công nhân cầu đường. “Anh Hào là người Kinh nhưng người Xê Đăng gọi là A Hào. Hào rất trắng và đẹp trai, dáng người hơi thấp”-mắt Y.V. bỗng long lanh khi nói về người yêu của mình. Rồi hai người hẹn hò. Khi con trai trong làng biết chuyện, Hào ít vào làng gặp V. hơn vì sợ bị đánh. Cứ sẩm tối, Hào lại hẹn Y.V. ra rừng để hẹn hò. Chưa tròn nửa năm sau, khi Y.V. đinh ninh rằng xong đường, Hào sẽ đưa mình về quê ra mắt bố mẹ rồi làm đám cưới. Nào ngờ cái gì trong bụng V. như cựa quậy, rồi đội lớp da thịt lớn dần lên. Hào biết Y.V. có bầu liền hoảng hốt, miệng lắp bắp, nói sẽ xin đơn vị để đưa V. về. Mấy ngày sau, đợi mãi không thấy Hào xuống, V. chạy lên đến lán để tìm thì lúc này mới hay Hào đã khăn gói về quê với vợ con...

Để giữ giọt máu của mình cô gái Xê Đăng Y.V. đã chấp nhận bị làng phạt vạ, phải rời khỏi làng ra bìa rẫy lầm lũi vượt cạn nuôi con. Nhưng điều đau lòng hơn mà cho đến cả bây giờ, không một ai, kể cả những già làng ở dưới chân núi Ngọc Linh có thể giải thích nổi là những đứa em của Y.V. lại tiếp tục giẫm lên những sai lầm của người chị. Chúng tôi nhìn túp lều chỉ rộng chừng 30 m2 nhưng có đến ba người phụ nữ và hai đứa trẻ sinh sống bên một con suối nhỏ, trong đó có một đứa trẻ-cũng là con của công nhân cầu đường vừa được em gái của Y.V. sinh ra. Y.V. giọng buồn rười rượi: “Mình đã khổ rồi mà em mình lại khổ hơn nữa, dân làng ai cũng nhìn. Con mình đi ra xã khai sinh nhưng không có cha nên cán bộ không làm cho, mình phải lấy tên ông nội (bố đẻ của V.-người Xê Đăng gọi ông ngoại là ông nội) làm cha cho nó trên giấy tờ”.

 

Tương lai vô định

Thống kê của UBND huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) cho biết đến nay đã có trên dưới 300 trường hợp các cô gái người địa phương có quan hệ như vợ chồng đối với các công nhân cầu đường, rất nhiều trường hợp trong số này đã có con. “Mặc dù đã yêu cầu các đơn vị quản lý chặt việc tạm trú tạm vắng đối với công nhân cầu đường, tuyên truyền người dân ở các làng thực hiện đúng Luật Hôn nhân và Gia đình nhưng cho đến nay vẫn có rất nhiều cô gái bị lầm lỡ. Nhiều người đã có con và trở thành gánh nặng cho xã hội, tương lai của những đứa trẻ này về sau cũng rất nhiều khó khăn”-ông A Hơn- Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông nói.

“Hàng cau đau trái cau”

Những ngày lang thang ở các ngôi làng dưới chân núi Ngọc Linh để tìm gặp những cô gái lỡ làng duyên phận, chúng tôi luôn ám ảnh về người con gái trong bài hát “Chị tôi” mà nhạc sĩ Trần Tiến đã từng viết. Vì thương mẹ, thương em người con gái ấy đã gác lại tuổi thanh xuân để rồi khi biết mình “yêu” được thì lại gặp ngang trái. Nhưng, những cô gái Xê Đăng mà chúng tôi bắt gặp còn mang những câu chuyện đau đớn, nhức nhối hơn thế. Không chỉ mất đi tuổi thanh xuân, những cô gái ấy đã sinh ra những đứa trẻ mang dòng máu Xê Đăng-Kinh nhưng chưa một lần thấy mặt cha. Bi kịch hơn thế, những cô gái ấy cũng phải đứng giữa làng nộp phạt, bị đuổi đi khỏi làng như thân phận con hủi.

A Nghịt-Trưởng thôn làng Ngọc La (xã Măng Ri) kể, cách đây chưa lâu Y.N.-cô gái Xê Đăng trong xã đã đem lòng yêu anh công nhân cầu đường. Y.N. cũng đã từng một lần yêu và hạnh phúc, ra giữa làng làm đám cưới. Nhưng chỉ một năm sau, khi N. sinh được một đứa con thì chồng N. hư đốn, say xỉn và không chịu làm lụng, để N. một mình nuôi con. Hai người chia tay, trái tim N. tưởng chừng như đóng kín, nguội lạnh, chẳng thể yêu được một ai nữa thì K. đến. Anh K. là công nhân vào Măng Ri làm đường. K. nói với N. rằng thấy N. khổ nên rất thương, nếu N. đồng ý thì sẽ dẫn về quê ở miền Bắc ra mắt bố mẹ. Những lời ngon ngọt và nỗi thiếu vắng đàn ông lâu ngày khiến trái tim N. ấm lại. Rồi N.“nề siu”(có bầu) thì cũng là lúc tuyến đường mà K. thi công vào giai đoạn hoàn thành. K. ra đi không một lời từ biệt, rũ bỏ người phụ nữ Xê Đăng nhiều nước mắt như bỏ một chiếc áo cũ với cái bụng lớn dần từng ngày…

Tôi quay qua hỏi già làng A Bya-làng Chung Tam: “Trong làng mình có nhiều con gái bị lừa phỉnh không?”. “Ôi, nhiều lắm! Ở làng Ngọc Na thì có đến 10 đứa. Toàn vô rừng làm chuyện bậy bạ rồi bị thanh niên trong làng bắt được. Có hai ba đứa thì có con rồi”-A Bya đáp. “Thế làng mình có cấm đoán gì không?”. “Cấm chứ. Họ lừa con cháu mình nhiều quá thì mình cấm. Ban đêm con trai trong làng đứng gác đầu làng đứa nào vào mà không phải đi thăm người quen, họ hàng là bị thanh niên đánh đấy”. “Thế làm sao mà con cháu mình có bầu được”-tôi hỏi tiếp. “Thời hiện đại rồi mà. Nó không dám vào làng nữa, bị đánh nhiều rồi nên nó nhắn tin cho nhau. Cứ tối là con cháu mình cầm điện thoại rồi đi ra. Ra đó rồi gặp nhau rồi lại làm chuyện bậy bạ, dân làng lại bắt được, lại có bầu... Chỉ có con cháu mình là dại thôi”.

Thái Bá Dũng

Có thể bạn quan tâm