Đường cát Thái Lan được nhập lậu qua cửa khẩu Long Bình, An Giang. |
Phát biểu tại hội thảo “Sơ kết sản xuất mía đường 2010-2011” diễn ra tại Hà Nội ngày 20-5, ông Trịnh Minh Châu cho biết hoạt động nhập lậu đường chủ yếu ở khu vực biên giới Tây Nam diễn ra rất quy mô và chuyên nghiệp.
Tại các kho tập kết hàng trước khi đưa sang Việt Nam, đường lậu được "sang qua" các loại bao bì của các nhà máy đường trong nước để hợp thức hóa. Khi vào Việt Nam nếu bị cơ quan chức năng kiểm tra, đối tượng buôn lậu chỉ cần xuất trình hóa đơn đỏ nào đó chứng minh có mua hàng của nhà máy đường xem như hợp lệ, và đưa đi tiêu thụ khắp cả nước.
Ước tính mỗi năm số lượng đường nhập lậu lên tới hàng trăm tấn/ngày, gây biến động thị trường đường trong nước và thất thoát hàng trăm tỷ đồng tiền thuế của Nhà nước.
Để kiềm chế đường nhập lậu qua biên giới, ông Trịnh Minh Châu kiến nghị Nhà nước cần bổ sung những văn bản pháp lý đủ mạnh của ngành mía đường trong lĩnh vực gian lận thương mại, đồng thời, nên xử lý nghiêm những đối tượng buôn lậu và những kẻ liên quan đến buôn lậu.
Bên cạnh đó, các nhà máy đường phải tự bảo vệ mình bằng cách sử dụng tem chống hàng giả, hàng nhái để giúp cơ quan chức năng phát hiện nhanh khi kiểm tra hàng hóa.
Theo báo cáo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, vụ sản xuất 2010-2011 có 38 nhà máy đường hoạt động, sản xuất được hơn 1 triệu tấn, tăng hơn 21% so với vụ 2009-2010. Trong đó, sản lượng đường của khu vực miền Bắc đạt 286.753 tấn, miền Trung đạt 395.853 tấn, miền Nam đạt 447.503 tấn.
Theo TTXVN